Năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu bông các loại từ 17 nước trên tổng số 54 quốc gia châu Phi. Các nước cung cấp chính chủ yếu nằm ở khu vực Tây và Trung Phi và một số nước Đông Phi như Benin (47,33 triệu USD), Bờ Biển Ngà (45,81 triệu USD), Burkina Faso (31,76 triệu USD), Mali (28,03 triệu USD), Togo (13,49 triệu USD), Cameroon (10,75 triệu USD), Uganda (6,36 triệu USD), Zimbabwe (5,13 triệu USD), Mozambique (4,25 triệu USD), Nam Phi (3,4 triệu USD), Tanzania (3 triệu USD), nhập khẩu Nigeria (1,7 triệu USD), Zambia (1,17 triệu USD)...
Bông châu Phi được đánh giá có chất lượng khá tốt, giá thành hợp lý, phù hợp với yêu cầu sản xuất vải sợi của ta. Phần lớn bông của châu Phi đều được hái bằng tay, tỷ lệ xơ ngắn thấp, tỷ lệ đồng đều về sợi cao, đặc biệt về cường lực và độ chín tương đối tốt. Bên cạnh đó là ưu thế về giá cả, sản phẩm bông của châu Phi có tính cạnh tranh hơn so với các thị trường khác.
Tuy nhiên, do sản lượng thấp nên quá trình phân loại bông của châu Phi chưa cao như ở Mỹ hay một số thị trường khác, tỷ lệ tạp chất cao. Đặc biệt là bông ở vùng Đông Phi thường có hàm lượng đường cao hơn các nước khác, điều này tác động đến quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp của ta hiện vẫn phải nhập qua trung gian (trader), là các công ty thương mại của Pháp, Thụy Sỹ, Ấn Độ chứ không mua trực tiếp từ nhà sản xuất, dẫn đến giá thành cao.
Trong thời gian tới, khi sản xuất bông trong nước chưa thể đáp ứng được nhu cầu của ngành dệt may, thị trường bông châu Phi vẫn là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Tình hình sản xuất bông của một số nước châu Phi đầu năm 2020
Giá bông giảm tại Mali do Covid-19
Mali là quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu một số loại nông sản, nhất là bông. Bông được trồng trên diện tích 740.000 ha, nuôi sống hơn 3 triệu người. Sản lượng bông của Mali lên tới 700.000 tấn/năm (1,36 triệu bao) trong đó gần như toàn bộ dành cho xuất khẩu (1,33 triệu bao). Công ty Phát triển bông, sợi Mali (CMDT) là công ty Nhà nước thành lập năm 1974 để quản lý ngành bông. CMDT phụ trách việc tổ chức sản xuất và kinh doanh bông trên toàn lãnh thổ Mali.
Đại dịch Covid-19 kéo theo việc giảm giá nguyên liệu thế giới và giảm cầu quốc tế do suy thoái kinh tế gây ra. Tình hình ngày càng trầm trọng thêm khi sản xuất công nghiệp tại những nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu sụt giảm.
Giá bán bông cho niên vụ 2020/2021 là 200 franc CFA/kg (1 USD = 584,50 FCFA), giảm 75 franc CFA so với niên vụ 2019/2020. Nguyên nhân là do giá bông quốc tế ở mức thấp nhất kể từ 11 năm nay. Theo ước tính của Ủy ban tư vấn bông quốc tế, tính từ đầu năm 2020, giá bông đã sụt giảm khoảng 18% do tác động của đại dịch Covid-19 với việc đóng cửa của các nhà máy dệt, nhất là sự sụt giảm mức cầu 12% trong cả năm 2020 sau khi một nửa dân số thế giới bị cách li cùng với sự suy thoái của kinh tế thế giới. Ngành công nghiệp dệt chậm lại, nhất là ở châu Á và giá bông bị ảnh hưởng nặng nề do giá dầu lửa thấp, làm cho các loại sợi tổng hợp có giá bán cạnh tranh hơn các loại sợi tự nhiên.
Để khuyến khích sản xuất bông, Bộ trưởng Nông nghiệp Mali, ông Baba Moulaye Haidara cho biết chính phủ vẫn duy trì trợ cấp 10 tỷ Franc CFA cho các nhà sản xuất bông niên vụ 2020-2021. Năm nay, công ty bông sợi CMDT cùng các đối tác trong ngành đã quyết định định hướng lại việc sử dụng khoản tiền này. Thay vì trước đây dành cho việc mua vật tư đầu vào, năm nay khoản trợ cấp 10 tỷ FCFA sẽ dùng để thưởng cho người sản xuất với tỷ lệ 15 FCFA/1 kg bông.
Sản xuất bông tại Burkina Faso giảm mạnh
Từng là nước xuất khẩu bông đứng đầu châu Phi, Burkina Faso hiện tụt xuống vị trí thứ ba châu lục, sau Mali và Benin.
Trong niên vụ 2018/2019, sản xuất bông của nước này chỉ đạt 436.000 tấn, giảm 30% so với niên vụ 2017/2018, trong khi Mali và Benin đạt sản lượng khoảng 700.000 tấn/nước. Đây là vụ mùa thứ ba liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm mạnh về sản lượng bông tại Burkina Faso.
Theo nhận định của Lãnh đạo Liên minh các nhà sản xuất bông của Burkina Faso (UNPCB), nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nói trên không hoàn toàn do thời tiết kém thuận lợi mà còn do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác như chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào kém (đặc biệt là giống và phân bón), kỹ thuật canh tác, sản xuất không phù hợp và cơ cấu tổ chức trong ngành còn nhiều bất cập.
Ngoài ra, sau nhiều năm sụt giảm nguồn thu liên tiếp, nhiều hộ trồng bông tại Burkina Faso đã rơi vào cảnh nợ xấu, không đủ nguồn thu để trả lương nhân công và phải chuyển hướng trồng trọt hoặc tìm kế mưu sinh khác. Điều này dẫn đến tình trạng hiện có hơn 200.000 ha đất canh tác chưa gieo hạt trên toàn Burkina Faso.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu khủng hoảng trầm trọng do tác động của dịch Covid-19, ngành bông Burkina Faso dự báo gặp nhiều khó khăn và không thể đạt được mục tiêu sản xuất 600.000 tấn trong niên vụ 2019/2020 như dự kiến ban đầu. Ước tính sản lượng thu hoạch năm nay chỉ đạt tối đa khoảng 500.000 tấn.
Thương vụ Việt Nam tại An-giê-ri (Kiêm nhiệm Ma-li, Xê-nê-gan, Xa-ra-uy, Ni-giê, Găm-bi-a))
Nguồn: Vitas