Khó hưởng lợi trong ngắn hạn
Dù vui với sự kiện EVFTA được Quốc hội Việt Nam thông qua và dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - vẫn ngậm ngùi cho biết, DN sẽ không được hưởng lợi trong ngắn hạn. Với sản phẩm chính là veston, sơmi, 90% sản phẩm của May 10 thuộc nhóm giảm thuế theo lộ trình, phải 4 - 7 năm sau mới được hưởng lợi. “Tối đa May 10 chỉ có khoảng 3,6% giá trị hàng hóa được hưởng thuế 0%” - ông Việt nói.
Đáng lo hơn, do tác động của dịch bệnh, có thể nhiều DN không tồn tại được cho đến khi hưởng lợi từ EVFTA, bởi ngay các “ông lớn” của ngành hiện rất lao đao. Đơn hàng bị dừng trong tháng 3, 4, 5 dù được nhà nhập khẩu cho sản xuất lại nhưng đề nghị giao hàng từ tháng 1/2021 và chưa có thêm đơn hàng mới. Theo lãnh đạo May 10, đây là câu chuyện “cực kỳ khủng khiếp”.
Tương tự, với sản phẩm áo sơ mi và quần dệt thoi, trong ngắn hạn, Công ty Cổ phần (CP) May Đức Giang cũng sẽ không được hưởng lợi ích về mặt thuế từ EVFTA. Hơn nữa, chi phí logistics ngày càng tăng cao, mỗi container nhập về, DN phải trả 800 - 1.000 USD, thậm chí chi phí vận chuyển trong nước còn cao hơn so với vận chuyển ra nước ngoài, đã nâng cao giá thành chào giá và giảm tính cạnh tranh của DN...
|
Quy tắc xuất xứ từ vải là rào cản lớn |
Giải “bài toán” quy tắc xuất xứ
Thuế suất giảm về 0% trong vòng 7 năm, có cơ hội gia tăng thị phần tại thị trường có quy mô 250 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu mỗi năm là lợi ích vô cùng hấp dẫn của EVFTA mang lại cho dệt may Việt Nam. Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã đưa ra dự báo con số XK tăng thêm của dệt may Việt Nam vào EU. Trong đó, năm 2020 là 157 triệu USD, 342 triệu USD (năm 2021), 527 triệu USD (năm 2022)… và 1,041 tỷ USD vào năm 2025.
Dù vậy, các chuyên gia và DN rất lo lắng quy tắc xuất xứ từ vải sẽ khiến dệt may Việt Nam khó được hưởng lợi từ hiệp định này. Ngành hiện chưa chủ động được nguồn vải đủ tiêu chuẩn XK vào EU; việc mua vải trong nước phải trả thuế VAT 10% đắt hơn so với vải nhập khẩu khiến lợi ích cắt giảm thuế quan chưa đủ bù đắp để giảm giá bán và cạnh tranh được với các quốc gia khác. Nguyên tắc cộng gộp trong EVFTA cho phép DN Việt Nam sử dụng vải của Hàn Quốc hoặc một nước thứ 3 mà hai bên cùng ký hiệp định thương mại tự do như Nhật Bản, ASEAN, tuy vậy, giá thành cao và chủng loại nguyên liệu không phong phú cũng là vấn đề cần tính toán của DN.
Ông Nguyễn Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - khẳng định: Quy tắc xuất xứ là vấn đề khó nhất của dệt may Việt Nam trong tận dụng EVFTA. Theo ông Cẩm, ngoài vấn đề quy hoạch, gỡ “nút thắt” này cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương và chính quyền địa phương trong tiếp nhận dự án dệt nhuộm.
Trước đề xuất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh: Bộ Công Thương sẽ phối hợp với hiệp hội, đơn vị liên quan sớm hoàn thành chiến lược phát triển, làm cơ sở cho ngành phát triển khâu thượng nguồn, đáp ứng quy tắc xuất xứ. Trước mắt, Bộ sẽ xây dựng hệ thống riêng về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tuyên truyền và lựa chọn một số DN đưa vào hệ thống, kết nối với EU để đảm bảo uy tín của Việt Nam…