EVFTA: Cú hích quan trọng cho xuất khẩu dệt may
Hiệp định EVFTA sẽ đem lại cơ hội bứt phá cho ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt, sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn và cạnh tranh ngang bằng về giá...
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Quốc hội chính thức thông qua, đánh dấu một bước quan trọng của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hiệp định mang lại nhiều tác động tích cực đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, đặc biệt với các ngành hàng thế mạnh như dệt may.
Hiệp định EVFTA sẽ đem lại cơ hội bứt phá cho ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt, ngành dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước đang được hưởng thuế 0%.
|
Hiệp định EVFTA sẽ đem lại cơ hội bứt phá cho ngành dệt may Việt Nam. |
Bên cạnh đó, sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam đang được hưởng Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập GSP sẽ tiếp tục được hưởng hết 2 năm sau khi EVFTA có hiệu lực.
Các cam kết của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam. Ngoài ra, Liên minh châu Âu cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc để sản xuất một số hàng dệt may xuất khẩu sang EU.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam hy vọng, Hiệp định EVFTA sẽ đem lại cơ hội bứt phá cho các ngành, trong đó có dệt may. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn.
"Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp sẽ lại có cơ hội rất lớn khi Quốc hội thông qua Hiệp định EVFTA, phải sản xuất bù lại cho thời gian vừa rồi bị đình trệ, nhất là những cơ hội mở ra các thị trường. Các doanh nghiệp sẽ có rất nhiều cơ hội, cho nên các doanh nghiệp tiếp tục làm việc với các khách hàng để bám sát tình hình"./.
Bá Toàn/VOV1