Công nhân dệt may châu Á khốn đốn vì Covid-19
Đại dịch khiến các thương hiệu thời trang lớn đồng loạt cắt giảm đơn hàng với các nhà máy dệt may ở châu Á, khiến nhiều người lao động bị huỷ hợp đồng làm việc một cách đột ngột.
Cô Zarchi Lwin là công nhân nhà máy dệt ở ngoại ô Yangon, Myanmar. Công việc hàng ngày của cô là may những chiếc áo khoác mùa đông cho chuỗi bán lẻ Next Plc của Anh.
Một ngày gần đây, nhà máy dệt nơi cô làm việc thông báo đóng cửa. Không còn nguồn thu nhập, cô phải đem cầm cố hai chiếc vòng vàng - trang sức duy nhất của cô - để đổi lấy khoảng 140 USD nhằm trang trải cuộc sống.
|
Cô Zarchi Lwin tại nơi ở của mình phía ngoại ô thủ đô Yangoon. Ảnh: Reuters.
|
"Không biết phải làm gì cả"
Cô Lwin là một trong hàng trăm nghìn công nhân ngành dệt may ở châu Á đang khốn đốn vì không có việc làm thời Covid-19, theo Workers Rights Consortium, một tổ chức đấu tranh cho quyền của người lao động.
Phần lớn những lao động này đang phải chật vật để tồn tại, do hệ thống phúc lợi ít ỏi, nhiều trường hợp sa lầy vào nợ nần và phải phụ thuộc vào các bữa cơm từ thiện.
"Nếu tôi có công việc và thu nhập, tôi sẽ có thể trả tiền điều trị cho mẹ tôi", cô Lwin chia sẻ với Reuters. Người mẹ sống cùng với cô đang mắc bệnh về phổi.
"Giờ đây không thu nhập, không nghề nghiệp. Chúng tôi không biết phải làm gì cả", cô gái 29 tuổi bật khóc.
Chuỗi bán lẻ Next Plc đã tạm thời đóng cửa toàn bộ cửa hàng của họ trên nước Anh vì dịch Covid-19. Công ty cho biết đã huỷ các đơn hàng một cách hạn chế, và "nỗ lực để đối xử công bằng với các nhà cung cấp".
Kể từ thập niên 1960, châu Á trở thành công xưởng dệt may của thế giới, và giờ đây xuất khẩu khoảng 670 tỷ USD quần áo, giày dép và túi xách tới châu Âu và Mỹ cũng như các quốc gia giàu có khác, theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc.
Sau khi nhiều quốc gia ban hành lệnh phong toả, với các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Nhiều nhà bán lẻ lớn như ASOS hay New Look cho biết họ đã huỷ đơn hàng với các nhà sản xuất hàng dệt may.
Những chủ nhà máy ở Myanmar, Bangladesh và Campuchia ngay lập tức phải đóng cửa hàng nghìn công xưởng và cho các công nhân về nhà với trợ cấp ít ỏi hoặc thậm chí là không có gì.
Các nhà bán lẻ thường đặt hàng ít nhất là 3 tháng trước khi nhận hàng và thanh toán. Ban đầu, hầu hết các nhà bán lẻ lớn đã huỷ đơn hàng mà họ chưa thanh toán, nhưng sau đó đồng ý thanh toán cho những đơn hàng đã hoặc đang được sản xuất, và quyết định huỷ bỏ các đơn hàng tiếp theo trong tháng 3 và tháng 4.
|
Các cửa hàng của chuỗi bán lẻ Next trên toàn nước Anh phải đóng cửa vì Covid-19. Ảnh: Getty.
|
Để hoàn thành các đơn hàng đang chờ xử lý, khoảng một nửa trong số 4.000 nhà máy dệt may ở Bangladesh đã mở cửa trở lại. Khoảng 150 trong số 600 nhà máy ở Myanmar đã đóng cửa, trong khi con số này ở Campuchia là 200.
Một số đơn hàng bắt đầu quay trở lại. Người khổng lồ H&M cho biết họ chỉ tạm ngưng các đơn hàng trong vòng 2 tuần, trong thời điểm dịch bệnh lên đỉnh vào tháng 4, trong khi Walmart - nhà bán lẻ lớn nhất thế giới của Mỹ - cho biết họ đã bắt đầu đặt hàng trở lại với các nhà sản xuất châu Á.
Ở lại thành phố hay về quê?
Bất chấp các đơn hàng mới, một số nhà sản xuất cho biết khối lượng công việc vẫn ở mức thấp so với năng suất thiết kế của nhà máy, có nghĩa là nhiều cơ sở sẽ không thể tồn tại. Điều đó có nghĩa là phụ nữ trẻ - những người chiếm số đông lực lượng lao động trong ngành - sẽ không có việc làm.
Họ sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: ở lại chờ đợi lúc các nhà máy hoạt động hết công suất, hay trở về quê nhà với gia đình ở nông thôn - nơi có ít cơ hội việc làm hơn.
Liên minh châu Âu đã thành lập một quỹ trị giá 5 triệu euro để trả một phần tiền lương trong vòng 3 tháng cho những công nhân bị ảnh hưởng vì đại dịch ở Myanmar.
Chính phủ Myanmar cũng cam kết chi trả 40% tiền lương cho những người lao động bị sai thải - hiện đã lên tới 58.000 người, theo hiệp hội sản xuất hàng dệt may nước này.
Ngành may mặc là lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế Myanmar, chiếm khoảng 10% sản lượng xuất khẩu của nước này, cũng như là con đường thoát nghèo của hàng trăm nghìn người từ nông thôn.
Tình hình còn tệ hơn ở Bangladesh, nơi 1 triệu công nhân đã mất việc hoặc có nguy cơ mất việc, theo ước tính của Trung tâm Quyền cho Người lao động Toàn cầu ở Đại học Pennsylvania. Chính phủ nước này đã công bố gói cứu trợ trị giá 588 triệu USD cho ngành xuất khẩu để giúp trả lương cho người lao động mất việc.
Những nhà sản xuất dệt may ở Bangladesh ước tính họ đã mất đi số đơn hàng xuất khẩu với tổng trị giá gần 3 tỷ USD kể từ đầu tháng 4. Nước này là quốc gia sản xuất hàng đệt may lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với 4,1 triệu lao động tham gia ngành may mặc, tương đương 2,5% dân số.
Cô Banesa Begum, công nhân 21 tuổi làm việc tại một nhà máy sản xuất quần áo cho thương hiệu thời trang Zara ở thủ đô Dhaka, cho biết mình đã bị cho nghỉ việc và không có đồng nào để gửi về cho cha mẹ - những người là nông dân ở quận Rangpur nghèo khó phía bắc đất nước.
"Tôi biết họ đang không có gì để ăn", cô Begum chia sẻ. Thu nhập của cô cũng được sử dụng để đóng học phí cho 2 em trai của mình.
"Tôi không biết phải lo tiền học cho chúng như thế nào. Tất cả những giấc mơ của tôi đã tan vỡ", cô gái nói với Reuters.
|
Ngành dệt may chiếm tới hơn 80% sản lượng xuất khẩu của Bangladesh. Ảnh: Nikkei Asian Review.
|
Tại Campuchia, nơi khoảng 60.000 công nhân may mặc đã mất việc, họ được hứa sẽ nhận được khoảng 70 USD mỗi tháng - 40 USD từ chính phủ và 30 USD từ người sử dụng lao động - nhưng con số này chỉ bằng một phần ba mức lương tối thiểu hiện tại.
Cô Rom Phary, một công nhân 39 tuổi ở Phnom Penh cho biết gia đình mình đang gánh khoảng nợ 550 USD kể từ khi cô mất việc ở nhà máy hồi đầu tháng 3. Họ đang sống dựa vào gạo từ thiện của một tổ chức phi chính phủ.
Thay vì trở về quê ở nông thôn, cô Phary cho biết mình đã thuyết phục chủ nhà trọ không thu tiền vào tháng này.
"Nếu chúng tôi trở về, điều đó sẽ rất mất mặt. Chúng tôi không biết phải làm gì cả", cô Phary chia sẻ.
Nguồn: Zingnews.vn