Xuất khẩu khẩu trang: Chất lượng, uy tín là yếu tố đặt lên hàng đầu

Khẩu trang mang lại cơ hội mới cho ngành dệt may khi nhu cầu trong nước và thế giới tăng cao. Song các chuyên gia lo ngại, chất lượng khẩu trang không đồng đều sẽ đối mặt với tình trạng các nước siết mạnh kiểm soát chất lượng.

Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng

Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong quý 1/2020 tình trạng hủy đơn hàng, giãn đơn hàng đối với doanh nghiệp ngành dệt may diễn ra rất nghiêm trọng. Dịch bệnh Covid 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may. Tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may chỉ đạt 10,64 tỉ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 6,39 tỉ USD, giảm 8,76% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng may mặc chỉ đạt 8,2 tỉ USD, giảm 5,98% so với cùng kỳ. Xuất khẩu xơ sợi giảm 11,54%; xuất khẩu vải không dệt giảm 22%; xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 6%. Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã bị giảm doanh thu 20% trong quý 1/2020. Hầu như các doanh nghiệp may xuất khẩu chỉ hoạt động cầm chừng trong tháng 3 và tháng 4, còn đến tháng 5 hoàn toàn chưa có đơn hàng mới. Kết thúc quý 1, kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước đạt 8,4 tỉ USD, giảm 2,02% so với cùng kỳ 2019.

Phân tích về tình hình của ngành dệt may Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2020, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết dịch Covid 19 tác động đến ngành dệt may Việt Nam trên nhiều phương diện. Trong quý I, các DN gặp khó khăn về nguồn nguyên phụ liệu thì từ giữa tháng 3, các DN lại rơi vào tình huống đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng khi nhiều đối tác tại thị trường Mỹ và châu Âu cắt, hủy đơn hàng vì ảnh hưởng của dịch. “Nhiều DN đã sản xuất xong rồi cũng không giao được hàng. Có những DN đã chuyển hàng đến cảng biển rồi nhưng không xuất đi được, làm tăng chi phí lưu kho bãi… Chưa bao giờ mà tất cả mặt hàng xuất nhập khẩu của dệt may Việt Nam đều có tăng trưởng âm như vậy”, ông Cẩm nói.



















Theo ông Trương Văn Cẩm mức giảm này chưa phản ánh hết thực tế thiếu đơn hàng xuất khẩu của ngành. Con số giảm mạnh phải chờ đến tháng 5 và tháng 6, khi lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều nằm trong khoảng thời gian này.  Đại diện Công ty Việt Thắng Jean cho biết, trong quý 1 số lượng đơn hàng của đơn vị này đã giảm đến 90% khi các đối tác từ Mỹ, EU tạm ngừng nhận đơn hàng, chỉ còn khoảng 10% là do công ty có bán tại thị trường nội địa.

Cơ hội mới cho dệt may

Tuy nhiên, giữa những khó khăn chồng chất như vậy, ngành dệt may Việt Nam đã có cơ hội mới, đó là sản xuất khẩu trang các loại để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất khẩu trang để giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang đã xuất khẩu là 415,7 triệu chiếc, trị giá 63,19 triệu USD. Ông Hải đánh giá, trong bối cảnh đại dịch Covid 19 gây khó khăn cho nhiều ngành kinh tế, đây được coi là cơ hội hiếm hoi để doanh nghiệp dệt may Việt Nam cầm cự, chờ đợi cơ hội phục hồi.

Đồng tình với quan điểm này, ông Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS cũng nhìn nhận, nếu nhìn vào con số 63 triệu USD thu về từ xuất khẩu khẩu trang trong 4 tháng đầu năm với con số doanh thu 40 tỷ USD mỗi năm của ngành dệt may thì giá trị từ việc xuất khẩu khẩu trang trong thời gian qua vẫn còn quá nhỏ. Việt Nam là cường quốc dệt may thì cũng có thể trở thành cường quốc về khẩu trang, đồ bảo hộ.

Khẩu trang của các doanh nghiệp Việt Nam đang được xuất đi một số thị trường lớn như Nhật Bản: gần 33 triệu chiếc; Hàn Quốc: hơn 17 triệu chiếc; Đức: 11 triệu chiếc; Mỹ: 10 triệu chiếc; Hong Kong (Trung Quốc): 4 triệu chiếc. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất hàng triệu khẩu trang sang Singapore, Ba Lan, Úc, Trung Quốc, Lào, Nam Phi...

Tuy nhiên, khẩu trang là mặt hàng liên quan đến sức khỏe, an toàn của người sử dụng. Do vậy, các nước nhập khẩu thường có những tiêu chuẩn về chất lượng đối với các mặt hàng này. Đặc biệt, đối với các thị trường như EU và Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn này là bắt buộc. Nếu không có các chứng chỉ phù hợp, hàng hóa có thể gặp khó khi nhập khẩu, thậm chí bị trả lại. Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải nhận định, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã lúng túng khi muốn xin cấp chứng nhận CE và FDA là những tiêu chuẩn phổ biến ở EU và Hoa Kỳ, thắc mắc về tổ chức có thẩm quyền cấp chứng nhận, băn khoăn về việc giấy chứng nhận được cấp liệu có được nước nhập khẩu chấp nhận hay không...


















Mới đây, VITAS đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo trực tuyến về xuất khẩu dệt may trong bối cảnh dịch Covid 19. Trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp về tiêu chuẩn CE và tiêu chuẩn FDA để xuất khẩu khẩu trang sang EU, Mỹ, các chuyên gia cho rằng, thông qua việc gắn dấu CE và tiêu chuẩn FDA lên sản phẩm có nghĩa là sản phẩm đó đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khoẻ và bảo vệ môi trường của EU và Mỹ. Một sản phẩm được gắn nhãn CE và tiêu chuẩn FDA đồng nghĩa với việc nó có thể lưu thông tự do trong thị trường châu Âu và Mỹ và được pháp luật của các nước này công nhận. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm phải có dấu CE. Dấu CE chỉ bắt buộc đối với các sản phẩm có thông số kỹ thuật của EU. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang thường thì không cần nhãn CE, nếu xuất khẩu khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế thì cần nhãn CE.

Ông Trương Văn Cẩm cũng lo ngại, khi tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia được kiểm soát, sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp đến từ các quốc gia khác cũng là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang của Việt Nam. Vì thế, trong thời gian tới cần kiểm soát chặt chẽ hơn về vấn đề chất lượng. “Bởi trên thực tế, trong thời gian qua, do tình hình dịch bệnh cấp bách nhiều nước không kiểm tra nhiều trong khi thực tế chất lượng khẩu trang hàng trong nước hiện không đồng đều. Nếu tình trạng chất lượng như hiện nay còn kéo dài, sẽ dẫn đến tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” và cả ngành sẽ đối mặt với tình trạng các nước sẽ siết mạnh kiểm soát chất lượng”, ông Cẩm cảnh báo.

Có thể nói, thời cơ dành cho doanh nghiệp Việt rất lớn, các doanh nghiệp cần tranh thủ khai thác thị trường châu Âu, Mỹ với sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn đạt chuẩn. Do đó, việc đảm bảo chất lượng, uy tín luôn là yếu tố đặt lên hàng đầu.

Nguồn: Báo Tiếng nói Việt Nam

 

 
 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/