Do dịch COVID-19, ngành dệt may Việt Nam rơi vào cảnh tất cả các mặt hàng xuất khẩu của ngành đều có tăng trưởng âm. Cụ thể, xuất khẩu hàng may mặc âm hơn 18%, hàng xơ sợi âm 24%, vải không dệt âm 56,5%, bông giảm 7,98%, vải nhập khẩu giảm 10,99%, nguyên phụ liệu giảm 5,2%. Theo ông Cẩm, hiệp hội đã có văn bản gửi rất nhiều cơ quan, từ Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐ, TB&XH cùng nhiều đơn vị khác đề nghị gỡ khó.
Lãnh đạo Vitas cũng cho hay, để thoát khỏi tình trạng thiếu đơn hàng, công nhân mất việc làm, các doanh nghiệp (DN) đã chuyển sang may khẩu trang. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số 63 triệu khẩu trang xuất khẩu thời gian qua so với 40 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may mỗi năm thì giá trị từ việc chuyển hướng hoạt động không phải nhiều.
“Thời gian qua, các nước không kiểm tra nhiều trong khi thực tế chất lượng khẩu trang hàng trong nước hiện không đồng đều. Nếu tình trạng chất lượng như hiện nay còn kéo dài, sẽ dẫn đến tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh" và cả ngành sẽ đối mặt với tình trạng các nước sẽ siết mạnh kiểm soát chất lượng”, ông Cẩm nói.
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, hiện tại với ngành may tình trạng hủy đơn hàng hoặc không đặt hàng vẫn diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng tại Mỹ, EU tiếp tục thắt chặt chi tiêu vì dịch bệnh. Với ngành sợi tình hình cũng không khá hơn do cầu từ Trung Quốc sụt giảm mạnh. Với tình trạng hủy đơn hàng ngày càng lan rộng, áp lực về tài chính và lao động đang đe dọa hoạt động của các DN.
Theo dự báo, với các kịch bản kết thúc dịch bệnh và phục hồi khác nhau của kinh tế thế giới, dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm kim ngạch. Theo kịch bản tích cực nhất, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm trước. Với kịch bản hiện thực, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 33,5 tỷ USD. Trường hợp xấu, xuất khẩu dệt may sẽ chỉ đạt 30-31 tỷ USD trong năm 2020.
Thông tin từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Vitas cũng cho thấy, tình trạng hủy đơn hàng, giãn đơn hàng đang rất nghiêm trọng. Doanh nghiệp càng làm nhiều FOB (DN sản xuất nhận đơn đặt hàng may mặc chỉ có trách nhiệm chuyển hàng ra cảng) càng gặp khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu.
Nhiều DN trong ngành đang trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng. Nhiều DN may xuất khẩu giờ chỉ hoạt động trong trạng thái cầm cự trong khi hoàn toàn chưa có đơn hàng mới. Các giải pháp tạm thời hiện nay không đảm bảo các doanh nghiệp may “sống sót” được hết năm 2020.
Nguồn:Tienphong.vn