Khẩu trang chưa thể là mặt hàng xuất khẩu chiến lược
Mặt hàng khẩu trang mang tính thời vụ, nên về lâu dài các DN dệt may vẫn phải đặt trọng tâm vào các sản phẩm dệt may truyền thống.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành dệt may đã phải đối mặt với "cú sốc kép" bởi các doanh nghiệp (DN) vừa bị đứt nguồn cung nguyên liệu, chủ yếu là vải, từ Trung Quốc; thị trường mua sắm tại châu Âu, Mỹ gần như bị đóng băng khi các khách hàng liên tiếp đề nghị giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng. Trong bối cảnh đó, sản xuất khẩu trang trở thành một giải pháp để các DN dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập để giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng các đơn hàng.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, dịch bệnh Covid-19 khiến cho toàn Tổng công ty có nguy cơ thiếu hụt 30% đơn hàng trong tháng 4 này. Song, khi nhận thấy thị trường thế giới đang rất cần sản phẩm khẩu trang, việc sản xuất khẩu trang để xuất khẩu sẽ phần nào bù đắp bớt những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra cho hoạt động xuất khẩu dệt may của Tổng công ty.
Hiện Tổng công ty May 10 đã có đơn hàng 20 triệu khẩu trang vải do đối tác bên Mỹ đặt mua, đối tác Đức là 2 triệu chiếc. “DN đã chủ động sản xuất khẩu trang cung cấp ra thị trường, phần nào tạo việc làm cho người lao động, giảm gánh nặng chi phí. Sản xuất khẩu trang cũng là việc chẳng đừng vì không thể so với giá trị sản xuất sản phẩm may mặc. Tuy nhiên, DN phải chuyển đổi để thích ứng và lo công ăn, việc làm có 12.000 công nhân lao động”, ông Việt chia sẻ.
|
Năng lực sản xuất khẩu trang của các DN Việt Nam rất lớn. Ảnh: Moit |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, trong bối cảnh khó khăn kéo dài do dịch bệnh Covid -19 tác động, việc các DN ngành may mặc chuyển hướng sản xuất khẩu trang để xuất khẩu là một hướng đi đúng đắn. Việt Nam cũng có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới, khi khẩu trang là một sản phẩm không đòi hỏi đầu tư nhiều về nhà xưởng, thiết bị và trình độ công nhân.
Hiện nay, chỉ tính riêng 50 DN đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc/tháng. Nếu tính trên quy mô toàn ngành thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.
Khẩu trang chưa thể là mặt hàng chiến lược
Dù xuất khẩu khẩu trang được coi là cứu cánh, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế khi dịch bệnh đang hoành hành, nhu cầu khẩu trang có thể kéo dài đến hết năm nhưng sau đó sẽ giảm dần. Bởi vậy, về lâu dài, các DN dệt may vẫn phải đặt trọng tâm vào các sản phẩm dệt may truyền thống.
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh, dù đang xúc tiến xuất khẩu khẩu trang sang một số quốc gia châu Âu và Mỹ nhằm bù đắp một phần đơn hàng may mặc bị thiếu hụt, song khẩu trang chưa thể coi là mặt hàng chiến lược khi nhu cầu chỉ mang tính thời điểm.
Ông Hiếu cho biết, tính đến 15/4, Vinatex đã cung ứng thị trường trong nước khoảng 80 triệu chiếc khẩu trang và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước. Việc sản xuất khẩu trang hiện tại đang giúp Tập đoàn giải quyết việc làm cho 20% số lao động bị thiếu việc làm.
Vừa qua, Tập đoàn cũng đưa ra thị trường sản phẩm mới khẩu trang vải 3 lớp chống giọt bắn, kháng khuẩn đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế và đang xúc tiến xuất khẩu mặt hàng này sang một số quốc gia châu Âu (Séc, Hungary, Canada) và Mỹ nhằm bù đắp một phần đơn hàng may mặc bị thiếu hụt. Năng lực sản xuất khẩu trang toàn Tập đoàn có thể đạt 90-100 triệu chiếc/tháng để đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu lớn (nếu có).
“Trên thực tế, xuất khẩu khẩu trang sang châu Âu hay Mỹ nhiều khách hàng yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn như CE hay FDA. Do đó, các DN cũng cần căn cứ tình hình thực tế để quyết định vì thủ tục lấy các chứng nhận trên sẽ tốn thêm chi phí và có độ trễ về thời gian. Ở thời điểm hiện tại, sản xuất khẩu trang vải là một trong các giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may duy trì việc làm cho người lao động, chờ dịch bệnh qua đi để khôi phục lại sản xuất. Tuy nhiên, đây chưa thể coi là mặt hàng chiến lược khi nhu cầu khẩu trang chỉ mang tính thời điểm”, ông Hiếu nói.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhâp khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để có thể coi đây là một ngành sản xuất lâu dài cần tính đến nhiều yếu tố.
Cụ thể, trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này. Hơn nữa, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu, nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống nên đây là mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.
“Các DN dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài DN thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN