Dệt may vào EU - Con đường gian khó
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, với những điều kiện chặt chẽ do EVFTA đặt ra, liệu ngành dệt may có tận dụng được cơ hội? Phóng viên Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), về vấn đề này.
PV: Theo ông, EVFTA đặt ra những khó khăn, thách thức gì với hàng dệt may Việt Nam?
|
Ông Trương Văn Cẩm
|
Ông Trương Văn Cẩm: Thách thức lớn nhất mà EVFTA đặt ra đối với hàng dệt may Việt Nam chính là nguồn gốc xuất xứ (C/O) nguyên liệu vải, sợi, trong khi đây là khâu yếu nhất của ngành dệt may Việt Nam.
Hiện ngành dệt may Việt Nam mỗi năm nhập khẩu khoảng 7 tỉ USD vải từ Trung Quốc, chiếm 55% tổng kim ngạch nhập khẩu vải; còn lại nhập từ Hàn Quốc khoảng 2 tỉ USD, từ Đài Loan 1,6 tỉ USD, từ Nhật Bản 750 triệu USD... Chúng ta phụ thuộc vào nguyên liệu vải Trung Quốc. Trong khi đó, EVFTA không chấp nhận nguồn gốc xuất xứ hàng dệt may của bất kỳ quốc gia nào khác ngoài EU hoặc không có FTA với EU.
Rất may là chúng ta cũng có “điểm gỡ”, đó là trong số những nước Việt Nam đang nhập khẩu vải, có Hàn Quốc đã ký FTA với EU nên với sản phẩm dệt may Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu từ Hàn Quốc là đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, chúng ta mới nhập khẩu vải của Hàn Quốc khoảng 2 tỉ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch nhập khẩu vải, con số không lớn, một phần vì giá vải Hàn Quốc cao hơn vải Trung Quốc, đồng thời không đa dạng về chủng loại vải. Cho nên, ngành dệt may Việt Nam phải tính toán, tìm giải pháp để nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu của EVFTA.
PV: Với vai trò là Tổng thư ký VITAS, ông có đề xuất giải pháp gì cho vấn đề này?
Ông Trương Văn Cẩm: Do nhu cầu vải của chúng ta rất lớn, nếu chỉ nhập khẩu từ Hàn Quốc sẽ không đủ, nên theo tôi, các doanh nghiệp dệt may hãy bắt tay nhau phối hợp, liên kết để có thể sử dụng nguồn vải của nhau nhằm xuất khẩu được hàng sang EU hưởng mức thuế ưu đãi 0%. Nếu không, chúng ta sẽ không tận dụng được cơ hội này. Thời điểm này, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp dệt may hãy đi cùng nhau vì lợi ích chung và vì sự bền vững của ngành dệt may. Nếu doanh nghiệp chỉ muốn đi một mình thì vừa không đi được vừa không thể phát triển bền vững được.
Đặc biệt, để ngành dệt may Việt Nam thực sự phát triển bền vững và có thể chủ động nguồn hàng xuất khẩu vào EU, chúng ta cần thu hút đầu tư nước ngoài hoặc các doanh nghiệp phối hợp với nhau đầu tư vào lĩnh sợi, dệt, nhuộm, những lĩnh vực chúng ta còn yếu, vì đầu tư vào các lĩnh vực này rất tốn kém do công nghệ, thiết bị máy móc... đắt đỏ, nhất là với ngành dệt, nhuộm. Bên cạnh đó, phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển. Thậm chí chúng ta phải đưa người ra nước ngoài học tập hoặc mời chuyên gia giỏi đến đào tạo cho nhân lực trong nước... Hiện nay, chúng ta chưa làm được điều này.
|
Nguyên liệu vải của ngành dệt may chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc
|
PV: Để chủ động hơn, ngành dệt may Việt Nam có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước như xơ sợi chẳng hạn?
Ông Trương Văn Cẩm: Chúng ta cũng đã sử dụng nguyên liệu trong nước, nhưng tôi phải chia sẻ rằng, không chỉ về số lượng mà ngay cả chất lượng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn. Hiện tại, do số lượng không đủ nên chúng ta mới phải nhập khẩu nhiều vải từ Trung Quốc. Dĩ nhiên, có một yếu tố tác động khác, đó là nhiều khi giá vải nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn giá vải trong nước. Trong kinh doanh, giá nguyên liệu rẻ cũng là một lựa chọn của doanh nghiệp. Sợi chúng ta cũng sản xuất được nhưng khó đáp ứng được yêu cầu của các FTA.
Cho nên, trở lại với câu chuyện đầu tư, tôi cho rằng phải đầu tư vào các lĩnh vực chúng ta còn yếu để tạo thành một hệ thống xuyên suốt từ đầu đến cuối của ngành dệt may, vừa chủ động vừa phát triển bền vững.
PV: Ngành dệt may Việt Nam còn có khó khăn nào nữa nếu muốn được hưởng các ưu đãi của EVFTA, thưa ông?
Ông Trương Văn Cẩm: EU là một thị trường rất khó tính, có các yêu cầu rất cao không chỉ đối với sản phẩm mà đối với tất cả những gì liên quan đến sản phẩm như môi trường, an toàn, lao động, dân sinh... Ví dụ, sản phẩm may mặc phải không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, quá trình làm ra sản phẩm cũng không được tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh, môi trường sống, quyền lợi người lao động phải bảo đảm... Đó là những thách thức không nhỏ với doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Việt Nam phải hạn chế bằng nhiều giải pháp, trong đó phải cải cách thể chế, luật hóa những cam kết trong EVFTA, giải quyết những khúc mắc đang là rào cản cho doanh nghiệp như thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành...
PV: Với những khó khăn, thách thức đó, theo ông, liệu dệt may Việt Nam có thể giữ được vai trò xuất khẩu chủ lực sang EU khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 7-2020?
Ông Trương Văn Cẩm: Vạn sự khởi đầu nan, khi bắt đầu thâm nhập vào một môi trường kinh tế mới luôn có những khó khăn, thách thức. Có thể trước mắt, tôi chưa khẳng định được, nhưng trong tương lai, nếu thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ Chính phủ, vai trò xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may sẽ trở thành hiện thực.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://petrotimes.vn/det-may-vao-eu-con-duong-gian-kho-569824.html