Ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ phòng, chống COVID-19. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ đồng ý xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch theo nguyên tắc bảo đảm đủ cho nhu cầu trong nước (gồm cả dự trữ). Ngoài ra, các mặt hàng này chỉ được phép xuất khẩu cho các nước bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19.
Theo Nghị quyết 20 về chế độ cấp giấy phép xuất khẩu với mặt hàng khẩu trang y tế phòng, chống COVID-19, khẩu trang y tế, đồ phòng hộ bị khống chế tỷ lệ xuất khẩu 25%. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định này, tạo điều kiện cho xuất khẩu các mặt hàng trên.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xử lý nhanh việc này "không để lỡ thời cơ" khi nhu cầu khẩu trang y tế, các thiết bị phòng dịch tại một số quốc gia, khu vực rất lớn.
Sản xuất khẩu trang, đồ phòng dịch y tế trở thành ngành công nghiệp bùng nổ tại nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam. Ngoài mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn, nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhanh chóng đầu tư thêm dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế, quần áo phòng hộ, và nhận được một số đơn hàng từ các nước châu Âu, Mỹ.
Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện có khoảng 68 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, quần áo phòng hộ chống dịch. Một số doanh nghiệp dệt may cũng bắt đầu chuyển hướng nhập dây chuyền sản xuất các mặt hàng này, như May 10, TNG...
Lãnh đạo Tổng công ty May 10 cho biết, 400 triệu khẩu trang y tế sẽ được doanh nghiệp này giao cho đối tác nước ngoài trong tháng 7. TNG cũng dự định sản xuất từ trung tuần tháng 5. Hiện doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước với các mặt hàng trên, số lượng này cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Ngoài ra, Việt Nam đã sản xuất thành công khẩu trang vải chống thấm (khẩu trang 870) được nhiều nước đánh giá cao.
Nguồn: Vnexpress