Năng lực sản xuất lớn
Với khoảng 70% đơn hàng XK sang Mỹ và EU đang bị tạm thời gián đoạn, gần 2.500 công nhân của Tổng công ty 28 (X28) hiện chuyển sang sản xuất khẩu trang vải với công suất khoảng 500.000 chiếc/ngày. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 28, phần lớn các DN dệt may tại TPHCM đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải. Tính trung bình một người lao động mỗi ngày sản xuất được từ 200-250 chiếc khẩu trang. Như vậy, một DN có 10.000 công nhân trung bình sẽ sản xuất được 2 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày. Do vậy, các DN bắt buộc phải XK để tìm đầu ra vì chỉ khoảng một tháng nữa thị trường trong nước sẽ bão hoà.
Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM, trong bối cảnh dịch Covid -19 bùng phát với châu Âu và Mỹ, nhiều khách hàng từ các nước này đã đề nghị các DN giãn tiến độ giao hàng, thậm chí huỷ hợp đồng. Do vậy, nhiều DN phải chuyển sang sản xuất khẩu trang vải để cầm cự, giữ chân công nhân và giảm bớt thiệt hại. Hiện Việt Thắng Jean cũng đã tham gia vào việc sản xuất khẩu trang vải với công suất sản xuất hiện đang ở mức 500 nghìn chiếc/ ngày và đầu ra sắp tới cũng trông vào việc XK.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện đang có 20 DN dệt may đang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, tính đến cuối tháng 3/2020 lượng khẩu trang cung ứng ra thị trường đạt gần 60 triệu chiếc. Trong khi đó tính toán của Bộ Y tế cho thấy, đến cuối tháng 3, Việt Nam cần khoảng 30 triệu chiếc khẩu trang. Như vậy với năng lực sản xuất hiện nay, ngành dệt may hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất khẩu trang trong nước. Nhiều DN đã đề xuất phương án được nhà nước hỗ trợ tìm đơn hàng XK khẩu trang.
Về nguồn cung nguyên liệu, theo nhận định của Bộ Công Thương, mỗi tháng ngành dệt may có thể sản xuất được từ 150-200 triệu khẩu trang vải, trong khi nguyên liệu sản xuất khẩu trang vải không có khó khăn về nguồn cung. Với sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn, các DN trong nước chỉ phải nhập nguyên liệu kháng khuẩn từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng việc NK thời gian qua không có vướng mắc gì.
Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho biết, hiện nay có 5 DN thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang sản xuất vải kháng khuẩn và cung cấp cho các DN may khác trong Tập đoàn để may khẩu trang. Ngoài ra, một số DN đã NK vải để may đồ thể thao, quần áo dùng trong bệnh viện… đã chuyển đổi phần vải đó sang may khẩu trang.
Về phía DN sản xuất vải, ông Trần Trung Quy, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trung Quy cho biết, mỗi ngày Trung Quy có thể cung cấp từ 15 -20 tấn vải kháng khuẩn, kháng UV đạt tiêu chuẩn quốc tế và giá trị toàn cầu. Hiện nay năng lực cung cấp vải của Trung Quy khá dồi dào hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu của các DN may khẩu trang kháng khuẩn XK.
Hướng xuất khẩu mới cho DN dệt may
Theo nhận định của các DN, việc XK khẩu trang vải cũng có thể là hướng XK mới, đặc biệt cho các DN vừa và nhỏ. Vì vậy, nếu có thể xúc tiến được hoạt động này sẽ góp phần hỗ trợ các DN chống đỡ với các khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Hiện đã có nhiều đối tác nước ngoài đặt vấn đề về việc NK khẩu trang vải, tuy nhiên yêu cầu của các đối tác khá cao. Tổng công ty 28 đã có một số đơn chào hàng đi Mỹ, Úc, Nhật và EU, trong đó đang đàm phán với một đối tác của Úc một đơn hàng 5.000 chiếc. Thông tin từ Việt Thắng Jean cũng cho biết, hiện DN cũng đã gửi hàng mẫu cho một số đối tác tại Mỹ, Ý và Hà Lan. “Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại đòi hỏi một tiêu chuẩn y tế khác nhau đối với sản phẩm này nên các DN XK khẩu trang đi nước ngoài cũng đang còn gặp một số khó khăn. Do vậy, đề nghị các Đại sứ, Tham tán thương mại tại các nước hỗ trợ Hội để làm các thủ tục XK và tư vấn cho DN các giải pháp để có thể XK nhanh hơn vào các thị trường”, ông Phạm Văn Việt đề nghị.
Về tình hình hiện tại theo ông Phạm Văn Việt, hiện Việt Thắng Jean vẫn sản xuất các đơn hàng online để XK nhưng lượng đơn hàng này chỉ chiếm từ 10-15% công suất sản xuất của DN. Trong khi đó các cửa hàng thời trang trong nước đã tạm thời đóng cửa, theo kế hoạch là đến 15/4 nhưng dự kiến là phải kéo dài đến hết tháng 5. Đối với hoạt động XK các sản phẩm thời trang, nếu dịch Covid -19 kéo dài đến giữa năm thì vào cuối năm thị trường trong nước mới có thể phục hồi còn thị trường XK thì sẽ chậm hơn, ít nhất là tới đầu năm 2021. Do vậy, việc XK khẩu trang vải sẽ là cứu cánh trước mắt cho Việt Thắng Jean cũng như hầu hết các DN dệt may trong tình hình hiện nay.
Tương tự, các cửa hàng thời trang của X28 hiện cũng đang phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, X28 đang còn một số đơn hàng đồ bảo hộ lao động và y tế nhưng số đơn hàng này cũng chỉ chiếm 30% năng lực sản xuất của DN. Hiện nay, hầu hết các nước lớn ở châu Âu đã đóng cửa hoàn toàn, thị trường Mỹ chiếm tới 50% thị phần của ngành dệt may cũng tạm ngưng nhận hàng. Trước mắt, các DN chỉ còn hi vọng vào phục hồi của thị trường Nhật và Hàn Quốc khi các nước này kiểm soát được dịch. “Hiện tại X28 vẫn còn cân đối đủ hàng làm đến hết tháng 4 nhưng sang tháng 5 sẽ phải cân nhắc cho công nhân nghỉ việc luân phiên, hoặc giảm thời gian làm việc. Với tình hình hiện nay, hoạt động sản xuất các DN dệt may gần như bị phụ thuộc hoàn toàn vào tốc độ dập dịch của thế giới”, ông Hùng cho biết.