Việt Nam có thể trở thành 'công xưởng' sản xuất khẩu trang?
Theo chuyên gia và doanh nghiệp, việc sản xuất khẩu trang là cách giúp ngành dệt may duy trì sản xuất trong đại dịch, nhưng về dài hạn vẫn cần phát triển các mặt hàng truyền thống.
Nhá máy Dupont tại Việt Nam mới bàn giao 450.000 bộ đồ bảo hộ y tế cho Mỹ, đồng thời, Tổng công ty May 10 cũng nhận được nhiều đơn hàng khẩu trang trị giá hàng chục triệu USD mở ra cơ hội cho ngành dệt may. Nhiều người kỳ vọng giữa dịch Covid-19, Việt Nam có thể vươn lên trở thành “công xưởng” sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế cho thế giới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia và doanh nghiệp đều thận trọng cho rằng còn quá sớm để nhắc đến từ “công xưởng”. Nhu cầu khẩu trang là ngắn hạn và Việt Nam về lâu dài vẫn phải bám theo thế mạnh dệt may hàng hóa trang phục của mình.
Năng lực hoàn toàn có thể
Trong một cuộc họp tổ chức vào giữa tháng 3, Bộ Công Thương liên tiếp nhận những tín hiệu vui từ các doanh nghiệp trong việc sản xuất khẩu trang. Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, năng lực của các doanh nghiệp hiện nay có thể sản xuất được 40 triệu chiếc khẩu trang/ngày. Con số này tương ứng với khoảng 1,2 tỷ chiếc/tháng.
Lạc quan hơn, nếu huy động tối đa ngành may mặc, có thể sản xuất được 100 triệu chiếc/ngày (khoảng 3 tỷ chiếc/tháng).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 630 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên, 1.200 m2 vải dệt từ sợi nhân tạo. Tổng cả 2 loại vải đạt 5 triệu m2/năm. Nếu tính trung bình 1 m2 sản xuất được 20 khẩu trang, thì một ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng vải tương đương 100 triệu khẩu trang các loại (nếu tính giả định toàn bộ vải dùng để may khẩu trang).
|
Sản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 5 triệu m2/năm. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Ngoài ra, dịch bệnh đã được kiểm soát tại Trung Quốc, nguồn vải nguyên liệu nhập khẩu đã bắt đầu được nhập về Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, thị trường khẩu trang trong nước đang dần bão hòa. Trong khi đó, nhu cầu khẩu trang trên thế giới vẫn tăng cao do dịch Covid-19. Thế giới không chỉ có nhu cầu về khẩu trang y tế mà còn cả khẩu trang vải.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã rất nhanh nhạy khi sản xuất được các loại khẩu trang sử dụng vải thông thường, vải kháng khuẩn, không thấm nước, chống giọt bắn, thậm chí là ngăn được tia UV… Trong khi đó, ông nhận định khẩu trang là mặt hàng đơn giản trong các mặt hàng dệt may, đầu tư không cần quá nhiều.
Việt Nam là một trong những cường quốc dệt may trên thế giới, sản xuất được nhiều mặt hàng dệt may phức tạp, cao cấp, khối lượng lớn, đáp ứng những thị trường khó tính. Trong khi đó, Chính phủ mới chỉ hạn chế xuất khẩu khẩu trang y tế ra nước ngoài. Còn khẩu trang vải các loại thì vẫn được khuyến khích. Do đó, ông Hải nhận định việc cung ứng khẩu trang vải cho thế giới hoàn toàn nằm trong tầm tay của Việt Nam.
Cần thận trọng
Tuy nhiên, ông Hải nhận định việc xuất khẩu khẩu trang vải và các đồ bảo hộ y tế có những khó khăn nhất định, chủ yếu nằm ở đầu ra.
Thời điểm này dịch đang căng thẳng, nhu cầu khẩu trang thế giới là rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được hàng lại chưa biết tìm ai để giới thiệu và bán hàng. Hiện Bộ Công Thương đã vào cuộc, tích cực đẩy mạnh chắp nối doanh nghiệp Việt với đối tác nước ngoài. Các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tiếp gửi về các thông tin chào hàng của đối tác. Từ đó giúp doanh nghiệp Việt có thể liên hệ, sản xuất và trao đổi hàng hóa.
Ngoài ra, vị này nhấn mạnh doanh nghiệp nên xác định sản xuất khẩu trang là mặt hàng mang tính thời điểm, về lâu dài vẫn phải là các sản phẩm dệt may truyền thống. Nhu cầu khẩu trang có thể kéo dài đến hết năm nhưng sẽ giảm dần. Các doanh nghiệp có thể coi khẩu trang là mặt hàng tình thế, nhưng phải sẵn sàng chuyển đổi về các sản phẩm truyền thống khi hết dịch.
|
Sản xuất khẩu trang ở một nhà máy tại Hưng Yên. Ảnh: Việt Hùng.
|
Trong khi đó, lãnh đạo Tổng công ty May 10 cho rằng sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ vẫn phụ thuộc khá lớn và nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc nâng giá nguyên liệu hoặc dừng bán sẽ gây khó khăn cho Việt Nam.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo Dệt kim Đông Xuân tỏ ra thận trọng. Ông cho biết chỉ trong tháng 3, Trung Quốc đã bán ra thế giới 4 tỷ chiếc khẩu trang. Do đó, con số của Việt Nam “chưa đáng là bao”. Nếu Việt Nam bước vào cuộc chơi sẽ phải chịu cạnh tranh rất lớn.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho rằng việc sản xuất khẩu trang chỉ là phương án tạm thời, giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trong dịch Covid-19. Ngoài ra, khi dịch qua đi, mặt hàng này sẽ suy giảm nhanh chóng.
“Còn quá sớm để nói đến chuyện là công xưởng hay không”, ông chia sẻ.
Nguồn: Zingnews.vn