Ngành dệt may trên đà tăng trưởng cao nhất trong 5 năm
Dự báo xuất khẩu dệt may cả năm có thể cán đích 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm.
Theo thông tin được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) công bố ngày 18/7 tại Hội thảo Hiệp định CPTPP và EVFTA: Những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ năm 2017.
Sản phẩm dệt may đã có giá trị gia tăng cao hơn
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, con số trên cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm trở lại đây.
Để đạt được kết quả này là nhờ cộng đồng DN đã thích ứng được với sự chuyển dịch thị trường. Kết cấu thị trường xuất khẩu dệt may chuyển dịch nhanh, không bị phụ thuộc vào thị trường đơn lẻ. Đồng thời, DN đã và đang có giải pháp thay đổi kết cấu mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng giá trị gia tăng cao, chịu được áp lực đòi hỏi của thị trường.
Dẫn chứng cụ thể, ông Giang cho biết, trong nửa đầu năm, có 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là áo thun, quần và áo jacket. Các mặt hàng có gia trị xuất khẩu tương đối cao, từ 700 triệu USD trở lên gồm có: Váy, quần áo trẻ em, vải, quần sooc…
"Ngoài các yếu tố trên, yếu tố tác động đến XK dệt may nửa đầu năm là giải pháp về công nghệ. Tại Việt Nam hiện nay, dệt may là một trong những ngành công nghiệp bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khá nhanh. Ví dụ, hiện đã có nhiều nhà máy dệt may đầu tư vào thiết bị công nghệ hiện đại, đầu tư vào robot", ông Giang nhấn mạnh.
Thông tin thêm, ông Giang cho biết, nhiều DN đã nhận được đơn hàng đến hết năm. Một số DN đạt kết quả xuất khẩu điển hình là: Công ty TNHH May Tinh Lợi, Tổng công ty CP may Việt Tiến, Công ty TNHH Worldon (Việt Nam)…
Một tín hiệu mừng với ngành dệt may là, những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… đều tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017.
Vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch
Cuối năm 2017, ngành dệt may đứng trước nhiều khó khăn, khi đánh giá về triển vọng xuất khẩu dệt may trong năm 2018, Vitas đưa ra con số cả năm 2018 sẽ đạt 34 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Giang cho rằng, với tốc độ tăng trưởng này, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nửa cuối năm ước đạt 18,5 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.
Theo đánh giá mới đây của Bộ Công Thương, trong năm nay, ngành dệt may dự báo phải đối mặt với một số khó khăn như: Chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước; tình hình nguyên phụ liệu biến động khi giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng cao tại Pakistan, Bangladesh và Việt Nam...
Trong khi đó, ông Giang nhận định, ngành dệt may cũng có một số thuận lợi khá điển hình. Cụ thể, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết ngày 8/3/2018 và dự kiến bắt đầu có hiệu lực trong năm 2019 đặt ra kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu vào 6 nước nhập khẩu dệt may trong CPTPP (trong năm 2017, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang nhóm các nước này đạt trên 950 triệu USD).
Bên cạnh đó, FTA Việt Nam-EU (EVFTA) có triển vọng được ký kết trong năm nay sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này.
Ngoài ra, khả năng Hoa Kỳ cũng sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các DN Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ...
Thông tin thêm, ông Giang cho biết: Mặc dù mọi người nghĩ rằng Trung Quốc đầu tư nhiều nhất vào dệt may của Việt Nam nhưng trên thực tế là Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong rồi mới đến Trung Quốc. Đặc biệt, với sự hấp dẫn của các FTA đã có, Hoa Kỳ, EU, Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đang đầu tư vào dệt may Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, DN dệt may chủ động hơn nữa trong nắm bắt thời cơ, thuận lợi từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời ứng phó với những diễn biến bất thường của thị trường, trước hết là xu hướng bảo hộ và vấn đề quy tắc xuất xứ.
"Chính phủ đang nỗ lực đàm phán các FTA song lợi ích lại là của DN. Nếu DN không tận dụng được thì các FTA sẽ trở nên vô nghĩa", ông Hải nói.
Nguồn: baochinhphu.vn