Chặn đà suy giảm, doanh nghiệp dệt may chuyển hướng vào nội địa
Nhận định tình hình căng thẳng do dịch bệnh sẽ còn tiếp diễn, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dệt may đang “căng mình” đối phó bằng nhiều giải pháp, trong đó việc hướng vào sử dụng vải và cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa được xem là phương án khả thi.
Tìm nhà cung ứng tại nội địa
Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu giảm tốc khi chỉ đạt 4,5 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ.
|
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang tiếp cận tốt thị trường nội địa |
Việc xuất khẩu giảm đã được các DN trong ngành nhìn thấy trước, bởi lẽ khi các hoạt động sản xuất của Trung Quốc bị ngưng trệ vì dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nguyên phụ liệu của ngành may Việt Nam. Các thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu vải nói chung giảm 10,5%, cùng với đó chỉ số công nghiệp ngành may mặc chỉ tăng 0,2%.
TP. Hồ Chí Minh - trung tâm xuất khẩu lớn của cả nước cũng ghi nhận sự giảm tốc của ngành dệt may. Thông tin về tình hình xuất khẩu 2 tháng qua của doanh nghiệp may mặc trên địa bàn, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, hàng dệt may đã sụt giảm tới 10,8% so với cùng kỳ và chỉ đạt 773 triệu USD.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh (AGITEX) - chia sẻ, nguyên liệu là vấn đề mấu chốt của ngành may và ngành này đang phụ thuộc khoảng 50% vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Các thông tin báo cáo từ DN về AGITEX cho biết, rất nhiều DN nhỏ chỉ có nguyên liệu đến hết tháng 2, một số còn đến tháng 3 và rất ít có đến đầu tháng 5/2020.
Ông Hồng phân tích, để tìm nguyên liệu phù hợp không dễ vì hiện sản phẩm dệt may hầu hết xuất khẩu đi châu Âu, Hoa Kỳ,… nên phải đáp ứng nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu từ vải trở lên. Trong những nước mà Việt Nam có thể tìm mua nguyên liệu chỉ có Hàn Quốc là có FTA với châu Âu. Trong khi nước này không đủ nguyên liệu để cung cấp cho cả ngành dệt may của Việt Nam.
Do đó, việc chọn nguồn nguyên liệu ở trong nước là một giải pháp tương đối hiệu quả. Đơn cử như Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3. Đại diện May Sài Gòn 3 cho biết, do lâu nay đã sử dụng vải nguyên liệu trong nước là chủ yếu nên sản xuất những ngày qua không bị tác động nhiều.
Cơ cấu lại sản xuất, hướng vào nội địa
Dù đã thực hiện cân đối lại nguồn nguyên liệu song nhiều DN dệt may cho biết vẫn phải giảm công suất khoảng 15% trong tháng 3 và nhận sản xuất thêm những mặt hàng khác cung cấp cho thị trường nội địa hoặc giảm bớt giờ làm để duy trì sản xuất.
Liên quan đến thị trường nội địa, Hiệp hội dệt may Việt Nam cho hay, với dân số gần 100 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may hiện nay chiếm từ 5 - 6% chi tiêu của người dân Việt Nam, tương đương từ 3,5 - 4 tỷ USD. Chính vì thế việc hướng vào nội địa được cho là giải pháp tốt với DN trong bối cảnh hiện nay.
Trên thực tế, nhiều năm qua DN trong ngành dệt may đã tiếp cận thị trường nội địa khá hiệu quả. Tổng công ty 28 là một ví dụ. Theo DN này, năm 2019 chỉ tính riêng nhãn hàng thời trang cao cấp Belluni đã đạt doanh thu nội địa khoảng 500 tỷ đồng. May 28 cũng đã phát triển được hệ thống gần 100 cửa hàng tại các thành phố lớn, trung tâm thương mại khắp cả nước, được người tiêu dùng Việt nhận diện, tin dùng thay cho hàng ngoại. Ngoài ra May 28 còn là đơn vị cung cấp vải, sợi… cho các DN tại nội địa. Thế mạnh này của DN vẫn được kế thừa và thực hiện mạnh hơn trong năm nay để đảm bảo doanh thu theo kế hoạch đề ra.
Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh đánh giá, các tháng tới việc xuất khẩu dệt may sẽ còn nhiều thách thức vì thế việc giải quyết nguồn nguyên liệu, cơ cấu lại sản xuất và tập trung cho thị trường nội địa sẽ phần nào giúp DN duy trì sản xuất, trụ vững trong khó khăn.
Nguồn:Congthuong.vn