Doanh nghiệp bị động vì thiếu nguyên liệu
Dịch bệnh Covid-19 đã làm lộ ra thực tế nhiều ngành sản xuất của Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và không dễ thay thế bằng nhập khẩu thị trường khác
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus corona chủng mới (Covid-19) không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) mà còn kéo giảm tiêu dùng nội địa. Thế nhưng, đến thời điểm này, những giải pháp ứng phó chỉ là tạm thời trong thời gian chờ nguồn cung cấp nguyên phụ liệu từ Trung Quốc phục hồi.
Dệt may cầm cự đến hết tháng 3
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 253 tỉ USD thì riêng nhập từ thị trường Trung Quốc là 75 tỉ USD. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc để phục vụ cho sản xuất công nghiệp đạt 14,9 tỉ USD, tăng 28% so với năm trước. Nhóm hàng bông, xơ sợi dệt, vải, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày… nhập khẩu năm 2019 chủ yếu từ Trung Quốc với trị giá 11,52 tỉ USD.
Trong số các ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19, dệt may đang đối mặt nhiều mối lo nhất bởi đến 80% nguyên phụ liệu dệt may là hàng Trung Quốc. Dịch Covid-19 đã khiến nhiều nhà máy ở Trung Quốc, đặc biệt là Vũ Hán, ngưng hoạt động dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trầm trọng. Ông Phan Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEK), cho hay nhóm DN lớn (chủ yếu sản xuất xuất khẩu và sử dụng khoảng 80% nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc) chỉ dự trữ đủ nguyên phụ liệu cho sản xuất trong tháng 2 và tháng 3. Nếu đến giữa tháng 3 chưa nhập thêm thì khả năng sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất trong tháng 4, 5. Trường hợp đến cuối tháng 3 vẫn không có nguyên phụ liệu, DN sẽ rất khó khăn bởi sẽ phá vỡ cấu trúc về chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhóm các DN vừa và nhỏ (tỉ lệ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa 50:50) cũng chịu chung số phận nguyên liệu sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào nhóm DN lớn. Cuối cùng là những DN sản xuất phục vụ thị trường nội địa, nguy cơ không chỉ thiếu hụt nguyên phụ liệu mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra.
Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước cũng đứng trước nguy cơ thiếu linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc Ảnh: TẤN THẠNH
Một đại diện khác của AGTEK cho hay tình hình chung là DN đang rất lo lắng vì có những loại vải chỉ Trung Quốc sản xuất được. "Phía Trung Quốc thông báo 20-2 sẽ làm việc lại bình thường, nếu đúng như vậy thì cũng phải mất thêm một thời gian mới có hàng về Việt Nam. Trường hợp sau ngày 20-2 họ tiếp tục đóng cửa, tình hình sẽ rất căng thẳng" - vị đại diện này cho biết tạm thời DN của ông có thể đặt hàng ở Hàn Quốc nhưng số lượng rất ít, giá cao. Chưa kể, với hợp đồng xuất khẩu đã ký, khách hàng chỉ định nhà cung cấp Trung Quốc nên nếu muốn thay đổi nhà cung cấp phải thương lượng lại hợp đồng.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết các DN thuộc Vitas nhập khẩu tới 55%-60% nguyên phụ liệu dệt may như vải, xơ sợi… từ Trung Quốc. Dịch Covid-19 đang tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong ngành. Do đó, Vitas đã đề nghị các DN hội viên gửi báo cáo về tác động cụ thể của dịch bệnh tới tình hình sản xuất kinh doanh của DN để hiệp hội tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Ngoài ra, Vitas cũng đã tổ chức đoàn DN sang Ấn Độ tìm hiểu về nguồn nguyên phụ liệu nhưng đây chỉ là giải pháp tình huống, dự trù cho khả năng các nhà máy sản xuất của Trung Quốc kéo dài thời gian đóng cửa. Còn để chuyển đổi nguyên liệu của ngành dệt may thì cần nhiều thời gian.
Để hạn chế tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, các DN cần trao đổi với khách hàng, tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đề nghị DN theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch và thời gian đóng, mở cửa cửa khẩu của Trung Quốc và các nước có người bị lây nhiễm để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Đồng loạt kêu cứu
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-bi-dong-vi-thieu-nguyen-lieu-20200217203155638.htm