Tận dụng lợi thế từ các FTA với ngành dệt may
Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam vừa phát hành Cẩm nang doanh nghiệp “Tổng hợp cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với ngành dệt may” nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam các nội dung cam kết cơ bản trong các FTA mà Việt Nam đang hoặc sẽ thực thi.
Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Riêng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm các sản phẩm dệt may của Việt Nam đã tăng 13,85% so với năm 2017, lên tới 36,2 tỷ USD, đứng vị trí thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một số thị trường khác như ASEAN, Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận. Ngoại trừ Hoa Kỳ, hầu như tất cả các thị trường lớn và tiềm năng của xuất khẩu dệt may Việt Nam đều là các thị trường mà Việt Nam đang hoặc sắp có Hiệp định thương mại tự do (FTA).
|
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN. |
Tính tới hết năm 2019, Việt Nam đã có 12 FTA có hiệu lực (mới nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương-CPTPP và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hồng Kông, Trung Quốc), 1 FTA đã ký kết (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU), và đang trong quá trình đàm phán 03 FTA khác với tổng cộng 57 đối tác thương mại trên thế giới.
Với các cam kết chủ đạo là loại bỏ thuế quan đối với phần lớn hàng hóa, trong đó có các sản phẩm dệt may, các FTA mang đến cho các doanh nghiệp kinh doanh dệt may Việt Nam cơ hội được hưởng thuế suất ưu đãi và giảm bớt rào cản trong xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo dấu ấn cho mặt hàng dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, đây cũng là một cơ hội để thu hút vốn đầu tư, chiếm lĩnh thị phần nội địa và cải cách doanh nghiệp trong ngành theo xu hướng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Cẩm nang doanh nghiệp “Tổng hợp cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đối với ngành dệt may” tóm tắt các cam kết cơ bản về thuế quan và quy tắc xuất xứ liên quan đến sản phẩm dệt may (với mã HS từ Chương 50 đến Chương 63) trong 14 FTA Việt Nam đã ký kết hoặc hoàn tất đàm phán và một số thông tin liên quan trong các FTA đang đàm phán, bao gồm: Các cam kết cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa, mẫu C/O. Ngoài ra, Cẩm nang cũng đề xuất một số lưu ý và kiến nghị với doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhằm mục đích tận dụng tối đa lợi ích mà các FTA nói trên mang lại.
Nguồn:Qdnd.vn