Thị trường dệt may kỳ vọng tươi sáng trong năm 2020

Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2020, những động thái dịch chuyển về đầu tư, thương mại toàn cầu đang đặt ra nhiều vấn đề cho ngành dệt may. Tuy nhiên, kỳ vọng ở bức tranh phát triển màu sắc tươi sáng vẫn là chủ đạo.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2020, những động thái dịch chuyển về đầu tư, thương mại toàn cầu đang đặt ra nhiều vấn đề cho ngành dệt  may. Tuy nhiên, kỳ vọng ở bức tranh phát triển màu sắc tươi sáng vẫn là chủ đạo.

thi truong det may ky vong tuoi sang trong nam 2020
Các đơn hàng XK dệt may kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020. Ảnh: Nguyễn Huế


Năm 2019 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam với nhiều biến động khó lường từ thị trường. Dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, xung đột thương mại Mỹ - Trung đã làm tổng cầu dệt may năm 2019 trên thị trường thế giới chỉ tăng 3,3% so với mức tăng 7,4% của năm trước.

Trong 5 quốc gia XK dệt may lớn nhất thế giới, Trung Quốc giảm 2,3%, Pakistan giảm 4,6%, trong khi Ấn Độ tăng 1,4% và Bangladesh tăng 2, 4%, riêng Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng khoảng 7,5%. Với kim ngạch XK đạt xấp xỉ 39 tỷ USD, tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng ngành dệt may vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Mặc dù vậy, cú sốc thị trường năm 2019 đang đặt ra nhiều vấn đề với các DN trong ngành.

Trong đó, bên cạnh tác động từ tổng cầu giảm, khó khăn lớn hơn với ngành dệt may là xu thế kinh doanh ngắn hạn, phòng thủ trước các diễn biến khó lường về chính sách thương mại quốc tế, đơn hàng đặt ngắn hạn khiến cho các DN khó tối ưu kế hoạch và chi phí dẫn đến hiệu quả suy giảm, cho dù vẫn có tăng trưởng về doanh thu. Cùng với đó là các yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ từ sợi và vải để có thể có được lợi ích thuế quan từ các FTA thế hệ mới, áp lực về lao động và tiền lương do Việt Nam là nước có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao, tỷ giá ổn định và không còn lợi thế nhân công rẻ so với các nước cạnh tranh.

Công ty CP chứng khoán SSI nhận định, hoạt động XK của ngành dệt may sẽ được đẩy nhanh khi các đơn hàng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục diễn ra, đặc biệt là ở các thị trường mới được hưởng lợi từ CPTPP như Canada và Australia. Mặc dù vậy, hoạt động XK của ngành dệt may cũng sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro. Trong đó, mức lương tối thiểu tiếp tục tăng khoảng từ 5,1% đến 5,7% trong năm 2020, với tốc độ tương tự như mức tăng năm 2019.

Theo VITAS, Việt Nam đã nâng mức lương tối thiểu lên 12 lần kể từ năm 2008. Khi nhiều nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển và thành lập tại Việt Nam, khả năng cạnh tranh về lương sẽ trở nên khốc liệt hơn giữa các công ty trong nước và các công ty FDI, đẩy lạm phát tiền lương cao hơn và ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty. Ngoài ra, chi phí điện và chi phí vận chuyển cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, ngành dệt may phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu (60%) máy móc, nguyên vật liệu và phụ kiện. Đây sẽ là thách thức lớn với nhiều DN trước các quy định khó khăn về nguồn gốc từ CPTPP và EVFTA.

Cần nhiều nỗ lực

Ngoài những thách thức nêu trên với vai trò chủ đạo về thị trường NK nguyên phụ liệu của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng khả năng Trung Quốc có thể tăng thuế đối với các sản phẩm vải nguyên liệu XK sang Việt Nam và Mỹ có thể tiến hành truy xuất nguồn gốc các sản phẩm may mặc sản xuất tại Việt Nam để hạn chế nguyên phụ liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Do vậy, vai trò của Hiệp hội, cũng như sự tham gia tích cực của các DN trong những vấn đề như phòng ngừa các rào cản kỹ thuật chống bán phá giá, gian lận xuất xứ hàng hóa của các nước nhập khẩu lớn… là vô cùng quan trọng.

Trong đó, để đối phó với những cơ chế bảo hộ sản xuất ngành hàng trong nước rất dễ nảy sinh trong diễn biến thương chiến Mỹ - Trung leo thang cùng với việc minh bạch hóa chứng từ để minh bạch hóa nền sản xuất dệt may của Việt Nam các DN tiếp cận với chính quyền và Hiệp hội Dệt may Mỹ, EU, chia sẻ thông tin, vận động, giải thích để họ nắm bắt thông tin chính xác về ngành dệt may Việt Nam…

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM, mặc dù kế hoạch của năm 2020 đã được các DN triển khai từ cuối năm 2019 nhưng vẫn phải theo dõi tình hình, diễn biến của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn biến phức tạp. Việc mở rộng các thị trường trong CPTPP trong thời gian qua chưa nhiều nên tiếp tục khai thác. Cùng với đó, cần kết hợp với các khách hàng NK để lựa chọn các mã hàng có thể khai thác được các lợi thế về nguyên phụ liệu.

Bên cạnh đó, đáp ứng các tiêu chí về môi trường, sản xuất xanh, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo được như nước, điện, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế và trở thành thành viên của chuỗi cung ứng toàn cầu là nhiệm vụ bắt buộc để DN có thể phát triển bền vững.

“Ngành dệt may thường có chu kỳ, thường thì cách 1 năm có nhiều đơn hàng, sẽ đến một năm ít đơn hàng. Năm 2020 sẽ là năm dự đoán đơn hàng đổ về Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là các đơn hàng đi thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế từ thị trường, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các DN trong thời gian tới. Bên cạnh đó chú trọng tháo gỡ những nút thắt về nguồn cung nguyên liệu đã và đang bị thiếu hụt, giải quyết tốt các vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường là yếu tố tiên quyết để ngành dệt may có thể hưởng lợi từ các FTA”, ông Phạm Xuân Hồng cho biết.

 Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/thi-truong-det-may-ky-vong-tuoi-sang-trong-nam-2020-119533.html

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/