Nâng cao năng suất lao động luôn là chủ đề quan tâm của doanh nghiệp. Các yếu tố ảnh hưởng tới năng suất lao động bao gồm các yếu tố khách quan và yêu tố chủ quan. Yếu tố khách quan phải kể đến như: độ khó của sản phẩm, quy mô của đơn hàng … và các yếu tố chủ quan phụ thuộc vào sự nỗ lực và đầu tư của chính doanh nghiệp.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế như hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành dệt may nói riêng khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận định thường có lợi thế hơn nhiều về nguồn vốn, quy mô sản xuất, công nghệ và trình độ quản lý.
Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực dệt may thường có quy mô nhỏ (dưới 400 lao động), tiếp cận những đơn hàng nhỏ lẻ từ 1.500 đến 2.000 sản phẩm trên một mã hàng. Điều đó dẫn đến nhiều doanh nghiệp luôn hướng đến kế hoạch ngắn hạn, đầu tư vừa phải, chú trọng đến khai thác hiệu quả của công nghệ, thiết bị, trong khi các doanh nghiệp lớn có xu hướng đầu tư với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thiết bị chất lượng cao, có thể sử dụng lâu dài.
Nhờ đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã cải thiện được năng suất
Nhờ đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã cải thiện được năng suất, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, hiện các doanh nghiệp dệt may đã bắt nhịp khá tốt với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ngành dệt may có 3 lĩnh vực chính là sợi, dệt nhuộm, may mặc; trong đó, ngành sợi và dệt nhuộm đã ứng dụng tự động hóa cũng như công nghệ thông tin hiệu quả trong thời gian qua.
Nếu như 10 năm trước đây, để sản xuất 10.000 cọc sợi phải cần trên 110 lao động thì nay không ít doanh nghiệp Việt chỉ cần từ 25 - 30 lao động, giảm gần 4 lần so với trước.
Hiện nay, trên thế giới có những nhà máy tiên tiến đang áp dụng sản xuất 10.000 cọc sợi với 10 công nhân.
Đối với ngành nhuộm, trước đây phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của những người làm ra công thức màu và kiểm soát quá trình nhuộm trong máy, nhưng với ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra dữ liệu (data) ngày càng lớn, nhất là ứng dụng Big data trong giai đoạn mới thì ít bị phụ thuộc vào tay nghề kỹ thuật của người làm ra công thức. Từ đó, ổn định được chất lượng, công thức và tỷ lệ nhuộm được nâng cao một cách chính xác.
Theo ông Lê Tiến Trường, thông thường một nhà máy sợi, dệt nhuộm sử dụng từ 500 - 600 công nhân, nhưng khi áp dụng công nghệ sẽ không cần nhiều công nhân như vậy.
Riêng khâu may có 2 loại sản phẩm chính, gồm: những sản phẩm mang tính chất thời trang, có nhiều chi tiết khó và liên tục thay đổi.
Sản phẩm thời trang cao cấp này khó thực hiện tự động hóa trong sản xuất bởi quy mô đơn hàng nhỏ, kiểu dáng thay đổi liên tục, nhiều kích cỡ khác nhau. Đây sẽ là những trở ngại cho việc áp dụng robot trong quá trình sản xuất.
Còn những khu vực sản xuất hàng hóa mang tính chất chuẩn mực với nhiều chi tiết cố định, ít thay đổi thì hoàn toàn có thể áp dụng robot và hiện tại robot đang làm những công đoạn khó hơn như: ghép cổ, vào tay, măng séc.
Những công đoạn đòi hỏi tay nghề cao, năng suất phụ thuộc vào người công nhân cũng đã có những thiết bị tự động để giảm số lượng lao động, nâng cao được năng suất và đặc biệt là ổn định chất lượng giữa các sản phẩm.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, áp dụng công nghệ thế hệ mới giúp năng suất lao động được tăng lên và sử dụng ít lao động hơn nên khoảng cách về chi phí lao động trong một sản phẩm giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển ngày càng thu hẹp.
Tổng công ty May Nhà Bè – CTCP cũng nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến nên năng suất toàn hệ thống đã tăng hơn 20%. Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ giảm hàng tồn trên một dây chuyền từ 30 sản phẩm xuống còn 3 sản phẩm, hàng lỗi giảm từ 20% xuống còn 8%.
Nguồn:Vietq.vn