|
Diễn biến kim ngạch của 6 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, đơn vị "tỷ USD". Biểu đồ: T.Bình. |
Máy vi tính soán ngôi dệt may
Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; giày dép; máy móc, thiết bị; gỗ và sản phẩm là 6 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên (theo cập nhật của Tổng cục Hải quan từ đầu năm 2019 đến 15/12/2019).
Có mức tăng trưởng ấn tượng nhất lá máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch đạt 34,01 tỷ USD, tăng tới 5,67 tỷ USD so với cùng kỳ 2018, tương đương tốc độ tăng trưởng 20%.Trong năm 2019, cả 6 nhóm hàng trên đều tăng thêm cả tỷ USD so với một năm trước.
Sự tăng trưởng cao trong năm 2019 giúp nhóm hàng này soán ngôi của dệt may để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Tiếp tục duy trì vị thế là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng điện thoại và linh kiện có kim ngạch tăng thêm không nhiều như thông lệ các năm trước.
Đến 15/12/2019, tổng kim ngạch nhóm hàng này đạt 49,91 tỷ USD, chỉ tăng thêm 2,02 tỷ USD, tương đương 4,2%.
Cùng trong tỉnh cảnh tăng trưởng dương nhưng ở mức thấp là dệt may với kim ngạch 31,1 tỷ USD, tăng 2,13 tỷ USD, tương đương 7,3%. Không chỉ bị nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm vị trí số hai về xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng thấp cũng khiến ngành hàng dệt may nói chung lỡ hẹn cán mốc xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019.
2 nhóm hàng còn lại cũng đạt kim ngạch 17,33 tỷ USD, trong đó trị giá tăng thêm của nhóm hàng giày dép là 1,91 tỷ USD, trong khi máy móc, thiết bị đạt con số tăng thêm 1,68 tỷ USD.
Thêm một thông tin đáng chú ý, đến 15/12/2019, nước ta có thêm một ngành hàng xuất khẩu chạm mốc kim ngạch 10 tỷ USD là gỗ và sản phẩm, tăng thêm 1,55 tỷ USD so với cùng kỳ 2018 (cùng kỳ đạt 8,45 tỷ USD).
Với tổng kim ngạch tăng thêm tới 14,96 tỷ USD, riêng 6 nhóm hàng trên chiếm tới 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thêm của cả nước trong cùng thời điểm (cả nước tăng thêm 18,17 tỷ USD).
Hoa Kỳ chiếm ưu thế
Xét về thị trường, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) với 28 nước, Trung Quốc, Hàn Quốc là những thị trường chiếm ưu thế lớn nhất đối với hoạt động xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực cũng như kim ngạch xuất khẩu cả nước nói chung.
Cập nhật theo thị trường của Tổng cục Hải quan hết tháng 11/2019 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang EU đạt 11,82 tỷ USD, giảm 7,1%; sang Hoa Kỳ đạt 8,45 tỷ USD, tăng 62,5%; thị trường Trung Quốc đạt 7,36 tỷ USD, giảm 12,4%; Hàn Quốc đạt 4,89 tỷ USD, tăng 17,6%... so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Trung Quốc đạt 8,47 tỷ USD, tăng 10,5%; Hoa Kỳ đạt 5,37 tỷ USD, tăng mạnh 103,4%; EU đạt 4,68 tỷ USD, giảm 8,6%; Hồng Kông đạt 2,72 tỷ USD, tăng 30,8%; Hàn Quốc đạt 2,66 tỷ USD, tăng 15,6%...
Đối với dệt may, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với trị giá đạt 13,46 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Các thị trường lớn khác như: EU đạt 3,94 tỷ USD, tăng 4,2%; Nhật Bản đạt 3,62 tỷ USD, tăng 4,1%; Hàn Quốc đạt 3,12 tỷ USD, tăng 2,3%; Trung Quốc đạt 1,46 tỷ USD, tăng 5%...
Trong khi đó, Hoa Kỳ và EU tiếp tục là 2 thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch và tốc độ tăng lần lượt là 5,96 tỷ USD (tăng 13,3%) và 4,59 tỷ USD (tăng 8,1%). Tính chung 2 thị trường này đạt 10,55 tỷ USD, chiếm tới 63,8% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước.
Các thị trường xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 4,53 tỷ USD, tăng 47,2%; EU đạt trị giá 2,45 tỷ USD, tăng 21,8%; Nhật Bản với 1,76 tỷ USD, tăng 4%; Hàn Quốc với 1,46 USD, tăng 29,9%...
Với nhóm hàng mới là gỗ và sản phẩm gỗ thị trường Hoa Kỳ cũng chiếm lĩnh thị phần số một với trị giá 4,73 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Nhật Bản với 1,21 tỷ USD, tăng 15,7%; Trung Quốc với 1,05 tỷ USD, tăng 4,6%…
Nguồn: Haiquan online