|
Ngành dệt may đang gặp khó khăn về nguồn lao động. Ảnh: Nguyễn Huế. |
Lợi nhuận giảm
Theo nhận định của Vinatex, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn ngành dệt may nói chung và các đơn vị thành viên trong Tập đoàn nói riêng, đặc biệt là các đơn vị sản xuất sợi. Theo đó, kết quả sản xuất kinh doanh ở một số đơn vị sản xuất sợi của Tập đoàn trong quý III/2019 đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2018. Qua đó ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh chung của toàn Tập đoàn.
Thông tin từ các doanh nghiệp sợi cũng cho hay, các khách hàng từ thị trường chính là Trung Quốc hiện đang trả giá rất thấp. Một số DN đã tìm cách mở rộng sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, tuy nhiên đơn hàng nhỏ và hạn chế. Trong khi đó, các DN còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về đơn hàng từ các DN từ các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan. Cũng do sự cạnh tranh từ các đối thủ, giá bán vẫn theo xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi, thậm chí còn có dấu hiệu phá giá để tránh tồn kho.
Không chỉ có các DN sợi, lợi nhuận của các DN sản xuất dệt may cũng giảm sút so với cùng kỳ năm trước, ngay cả đối với các DN lớn. Theo thông tin từ báo cáo Tài chính của Công ty CP May Việt Tiến, lợi nhuận sau thuế của Việt Tiến trong quý III/2019 chỉ đạt 116 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm, đến hết tháng 9, lợi nhuận của DN này đạt 292 tỷ đồng, giảm 58 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tương tự ghi nhận từ báo cáo tài chính của Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương Mại Thành Công cũng cho thấy, lợi nhuận sau thuế của DN này trong kỳ báo cáo tài chính gần nhất đã giảm khá mạnh từ trên 95 tỷ đồng của quý III/2018 xuống gần 56 tỷ đồng của quý III/2019. Lũy kế từ đầu năm đến hết quý III, lợi nhuận của DN này cũng đã giảm từ trên 203 tỷ đồng năm 2018 xuống gần 176 tỷ đồng năm 2019.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, một nguyên nhân quan trọng khiến cho lợi nhuận của các DN dệt may sụt giảm là do các DN phải đối mặt với bài toán tăng lương cho người lao động, chi phí đầu vào tăng cao… Mặc dù vậy vẫn rất khó giữ chân được người lao động do mọi thứ chi tiêu sinh hoạt cũng tăng cao nên mức tăng chưa thể đáp ứng như kỳ vọng. Điều này dẫn tới việc lao động nhảy việc sang các ngành nghề có mức lương cao hơn hoặc chuyển về quê sinh sống.
Đổi mới để phát triển
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng cùng với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn thì tăng tốc và đổi mới đang được xem là 2 yếu tố tạo nền tảng thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam phát triển. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ vào dệt may là điều cần thiết, giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí và hòa nhập vào xu hướng chung của ngành. Trong thời gian qua nhiều DN dệt, nhuộm đã ứng dụng tự động hóa cũng như công nghệ thông tin hiệu quả. Nếu như 10 năm trước đây, để sản xuất 10.000 cọc sợi phải cần trên 110 lao động thì nay không ít DN chỉ cần từ 25 - 30 lao động, giảm gần 4 lần so với trước.
Riêng khâu may, những sản phẩm thời trang cao cấp này khó thực hiện tự động hóa trong sản xuất bởi quy mô đơn hàng nhỏ, kiểu dáng thay đổi liên tục, nhiều kích cỡ khác nhau. Đây sẽ là những trở ngại cho việc áp dụng robot trong quá trình sản xuất. Còn những khu vực sản xuất hàng hóa mang tính chất chuẩn mực với nhiều chi tiết cố định, ít thay đổi thì hoàn toàn có thể áp dụng robot và hiện tại robot đang làm những công đoạn khó hơn như: Ghép cổ, vào tay, măng séc. Những công đoạn đòi hỏi tay nghề cao, năng suất phụ thuộc vào người công nhân cũng đã có những thiết bị tự động để giảm số lượng lao động, nâng cao được năng suất và đặc biệt là ổn định chất lượng giữa các sản phẩm… Đây là những xu thế mới được áp dụng trong ngành may.
Thực tế cho thấy, việc đưa công nghệ vào quản lý và sản xuất, giúp DN tăng năng suất lao động, giảm chi phí và chuyên nghiệp hoá hoạt động sản xuất. Điển hình như Công ty May 10 đã giảm được thời gian sản xuất từ 1.980 giây xuống 1.200 giây và hiện chỉ còn 690 giây/sản phẩm, năng suất lao động tăng lên 52%; tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%. Ngoài ra, Công ty cũng giảm thêm 1 giờ làm việc/ngày, tăng thu nhập cho công nhân trên 10%, giảm chi phí sản xuất từ 5 - 10%/năm. Tương tự, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến Tổng công ty May Nhà Bè cũng đã tăng năng suất toàn hệ thống lên hơn 20%. Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ giảm hàng tồn trên một dây chuyền từ 30 sản phẩm xuống còn 3 sản phẩm, hàng lỗi giảm từ 20% xuống còn 8%.
Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), máy móc công nghệ của công nghiệp 4.0 có thể thay thế 86% lao động dệt may của Việt Nam trong vài thập kỷ tới. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp DN tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận mà còn giải quyết bài toán nan giải về lao động hiện nay.
Nguồn:Haiquanonline.com.vn