Hiện nay bất cập lớn nhất của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng là khâu cung cấp nguyên, phụ liệu đầu vào…
Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, với các FTA thế hệ mới như CPTPP, RCEP, Việt Nam -EAEU, Việt Nam – EU… dệt may là ngành được hưởng nhiều lợi ích trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường.
Nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc
Thuế nhập khẩu hàng dệt may vào các thị trường nhập khẩu lớn như EU, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Canada về 0% ngay khi các FTA có hiệu lực hoặc sau một số năm theo lộ trình. Tuy nhiên, thực tế theo các doanh nghiệp dệt may thì hiện nay bất cập lớn nhất của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng là khâu cung cấp nguyên, phụ liệu đầu vào…
Ông Trần Thanh Hải thừa nhận, dệt may Việt Nam gặp không ít thách thức khi phải thích ứng với bối cảnh quốc tế mới. Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước cùng tham gia FTA, đặc biệt các thị trường lớn, dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ tương đối chặt, từ sợi hoặc vải trở đi, trong khi nước ta chưa có ngành dệt nhuộm và vẫn phải dựa vào nhập khẩu các nguyên liệu chính để sản xuất hàng xuất khẩu.
Hơn nữa, dệt may vẫn còn tập trung quá lớn vào loại hình gia công tại khâu đoạn may, vốn có giá trị gia tăng thấp và mức độ thâm dụng lao động cao, trong khi nguồn lao động trong nước hạn chế. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may tháng 9/2019 đạt trên 1,82 tỷ USD.
Lũy kế 9 tháng năm 2019 nhập khẩu nhóm hàng này lên tới 18 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu vải 9 tháng đạt trên 9,73 tỷ USD; nhập khẩu nguyên phụ liệu trên 4,38 tỷ USD; nhập khẩu bông 1,13 triệu tấn trị giá 2,07 tỷ USD; xơ, sợi nhập khẩu gần 820 nghìn tấn tương đương 1,81 tỷ USD…
Các thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu chính của dệt may Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Asean, Hoa Kỳ. Trong đó, 9 tháng đầu năm, nhập vải từ thị trường Trung Quốc tới trên 58%; nguyên phụ liệu tới 41,07%; xơ, sợi 55,04% Với bông nhập khẩu, ngành dệt may nhập lớn nhất từ Hoa Kỳ với 65,77%.
Với các FTA thế hệ mới như CPTPP, RCEP, Việt Nam -EAEU, Việt Nam – EU… dệt may là ngành được hưởng nhiều lợi ích trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường.
Chia sẻ thêm, ông Vũ Huy Đông - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP DamSan cho hay, mỗi năm Việt Nam nhập vải từ Trung Quốc khoảng 12 tỷ USD và xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 3 – 3,5 tỷ USD tiền sợi, nhưng Việt Nam cũng nhập khẩu lại từ Trung Quốc khoảng hơn 1 tỷ USD tiền sợi. Như vậy xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực dệt may lệch khoảng 10 tỷ USD.
“Nguyên nhân này do trong quy định dệt may phải có khâu dệt và khâu tẩy nhuộm, mà tại Việt Nam các nhà máy tẩy nhuộm đạt tiêu chuẩn rất ít…” ông Đông nói.
Đại diện Trung tâm Thông tin CN&TM - Bộ Công Thương (VITIC) nhận định, thời gian qua ngành dệt may tăng trưởng nhanh, nhưng phát triển vẫn chưa cân đối. Phát triển nhanh nhất là lĩnh vực may mặc nhưng các lĩnh vực khác như kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất, thiết kế vẫn còn bị bỏ ngỏ. Trong bối cảnh yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở thành quy định bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu quan trọng thì điểm nghẽn lớn nhất của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng là khâu cung cấp nguyên, phụ liệu đầu vào.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM bộc bạch, thách thức lớn nhất của ngành dệt may hiện nay là vấn đề xuất xứ, mà cốt lõi từ nguyên phụ liệu là chính. Việc cung ứng nguyên phụ liệu cho dệt may hiện còn hạn chế. Chúng ta vẫn phải nhập khẩu tới trên 70% nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Song điều đáng quan ngại, trong tỷ lệ 30% nguyên phụ liệu là nội địa thì lại không chỉ đáp ứng cho các thị trường trong các FTA mà Việt Nam tham gia mà xuất đi nhiều thị trường khác. Cho nên, không loại trừ, xuất xứ đáp ứng các cam kết trong FTA còn giảm hơn nữa
Hình thành các chuỗi liên kết
Để chủ động đáp ứng các quy tắc xuất xứ trong bối cảnh mới, giảm thiểu các nguy cơ và thách thức, ông Hồng cho rằng, dù con số tỷ lệ nội địa hóa chưa thỏa mãn yêu cầu của doanh nghiệp dệt may, nhưng chúng ta cần tận dụng tối đa để khai thác tỷ lệ này.
Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước cùng tham gia FTA, đặc biệt các thị trường lớn, dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ tương đối chặt, từ sợi hoặc vải trở đi, trong khi nước ta chưa có ngành dệt nhuộm và vẫn phải dựa vào nhập khẩu các nguyên liệu chính để sản xuất hàng xuất khẩu.
Thời gian qua các doanh nghiệp trong nước đã tập trung đầu tư vào phát triển khâu thượng nguồn (sợi, dệt, nhuộm hoàn tất), tạo ra chuỗi cung ứng. Nhưng theo ông Hồng, chưa thể nhanh chóng đáp ứng yêu cầu ngay được. Còn đầu tư nước ngoài vào dệt, nhuộm cũng chỉ chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào dệt may, trong khi đó, hơn 90% đầu tư vào lĩnh vực may mặc. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động liên kết, hình thành các chuỗi để khai thác được nguồn nguyên phụ liệu trong nước, hoặc liên kết với các nước Asean, các nước trong các FTA… Hoàn thiện khép kín chuỗi giá trị từ khâu nguyên liệu tới sản xuất, phân phối.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khâu thượng nguồn, nhất là lĩnh vực dệt nhuộm. Đề nghị các tỉnh tạo điều kiện cấp phép cho các dự án đầu tư vào dệt nhuộm có công nghệ xử lý nước thải hiện đại. Thế mạnh của vải lại ở Trung Quốc mà Trung Quốc không tham gia CPTPP nên cũng đặt ra khó khăn cho ngành dệt may. Ông Hải cho rằng, nếu không tận dụng được các FTA là sự lãng phí vô cùng lớn, vì chúng ta có một “kho tàng” FTA (Việt Nam tham gia tổng cộng 16 FTA).
Ở góc độ khác ông Đông thẳng thắn, hiện các doanh nghiệp, các nhà sản xuất nhỏ lẻ không muốn bỏ tiền chi phí về môi trường mà chỉ “ăn xổi” tận dụng mọi thời gian, tiết giám để tính lãi mà không nghĩ đến môi trường phát triển bền vững. Còn các cơ quan quản lý phát hiện được thì chế tái xử phạt quá nhẹ… Vì vậy, Việt Nam cần có chế tài xử lý mạnh về môi trường, đồng thời quản lý thật chặt thì buộc doanh nghiệp phải đầu tư. Mặt khác, chính phủ, các Bộ ngành và địa phương cần có quy hoạch, hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tẩy nhuộm. “Với công nghệ phát triển như hiện nay 4.0 không có gì là không thực hiện được” ông Đông nhấn mạnh.
Mỗi năm Việt Nam nhập vải từ Trung Quốc khoảng 12 tỷ USD và xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 3 – 3,5 tỷ USD tiền sợi, nhưng Việt Nam cũng nhập khẩu lại từ Trung Quốc khoảng hơn 1 tỷ USD tiền sợi. Như vậy xuất nhập khẩu trong lĩnh vực dệt may giữa Việt Nam và Trung Quốc lệch khoảng 10 tỷ USD.
Để tận dụng được ưu đãi qua CO, các doanh nghiệp cần tổ chức sắp xếp lại quy trình sản xuất, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, dịch chuyển địa điểm đầu tư để tận dụng FTA. Đồng thời, tận dụng trước hết các nguyên tắc “chuyển đổi mã số HS”, sau đó mới là “hàm lượng giá trị khu vực”. Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng cảnh báo, ngành dệt may Việt Nam cần hết sức cảnh giác với nguy cơ gian lận xuất xứ trong xuất khẩu. Doanh nghiệp nước ngoài tận dụng ưu đãi thuế quan Việt Nam được hưởng theo cam kết quốc tế, trong khi nước sản xuất bán thành phẩm ban đầu không được hưởng.
Mức thuế quan nhập khẩu ưu đãi trong khuôn khổ Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập GSP mà một số nước dành cho Việt Nam hoặc trong khuôn khổ FTA có thể chênh lệch từ 10-40% so với thuế MFN giữa các nước thành viên WTO. Vì vậy, hàng hóa từ một số nước xung quanh có thể chuyển tải qua Việt Nam hoặc gia công đơn giản và mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi.
Nguồn:Enternews.vn