Khai mạc hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - cho hay, dệt may là ngành có vai trò then chốt về xuất khẩu của Việt Nam khi đứng thứ 2 trong nhóm ngành hàng có kim ngạch lớn nhất. 9 tháng, ngành đã đạt hơn 25 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Việt Nam hiện cũng là quốc gia đứng thứ 4 về cung cấp hàng dệt may ra thị trường thế giới.
Dệt may được đánh giá là ngành được hưởng nhiều lợi ích khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Đặc biệt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng, liên quan đến cả lĩnh vực môi trường, lao động và mức giảm thuế sâu hơn tới 0% giúp dệt may Việt Nam tiếp cận với các thị trường xuất khẩu có quy mô lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều này cũng đã tạo sức hấp dẫn, thu hút đáng kể doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Việt Nam.
Cũng chính bởi phạm vi cam kết rộng, doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp nhiều thách thức khi đẩy mạnh xuất khẩu sang khối các thị trường mục tiêu. Trở ngại đầu tiên là quy tắc xuất xứ tương đối chặt, trong đó Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có yêu cầu cao nhất với quy tắc xuất xứ từ sợi. Trong khi đó, dệt may Việt Nam chưa có ngành công nghiệp dệt nhuộm và phải dựa vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong ngành cũng chủ yếu sản xuất gia công, khiến giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu không cao. Mặt khác, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các quốc gia nhập khẩu hàng dệt may ngày một rõ nét cũng gây xói mòn đơn hàng và lợi nhuận của nhà sản xuất Việt Nam.
|
|
Đặc biệt, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài và phức tạp tạo nhiều nguy cơ với dệt may Việt Nam. Ông Trần Thanh Hải phân tích, Mỹ tăng thuế với hàng dệt may Trung Quốc khiến hàng hoá của quốc gia này tìm đường đi vòng sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ. Khi số lượng hàng xuất khẩu gia tăng đột biến sẽ khiến Mỹ tiến hành các biện pháp phòng tránh gian lận thương mại và hạn chế hạn ngạch. Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ cũng sẽ tràn vào các quốc gia khác, phá huỷ nền sản xuất năng suất thấp, chi phí cao như Việt Nam.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, với những thách thức trên, xuất xứ hàng hoá trở thành biện pháp phòng tránh gian lận thương mại hữu hiệu, đồng thời phản ánh chất lượng hàng hoá, gia tăng sức cạnh tranh cho hàng dệt may Việt Nam.
Để đáp ứng các quy định, ngành cần sắp xếp lại tổ chức sản xuất trong nước, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, dịch chuyển địa điểm đầu tư để tận dụng các FTA. Doanh nghiệp trước hết cần vận dụng nguyên tắc “chuyển đổi mã số HS” nhằm chuyển đổi định danh hàng hoá, sau đó mới thực hiện “hàm lượng giá trị khu vực” với tỷ lệ nguyên phụ liệu 40%. ASEAN hiện đã ký FTA với rất nhiều nước trên thế giới, khi xuất khẩu hàng hoá sang các quốc gia này, cho dù Việt Nam chưa ký FTA, hàng dệt may vẫn có thể được hưởng ưu đãi nếu sử dụng C/O phù hợp.
Trước tình trạng tỷ lệ nội địa hoá nguyên phụ liệu thấp, khiến ngành khó đáp ứng quy tắc xuất xứ, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Thêu đan thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: Các doanh nghiệp trong nước kết nối với nhau hình thành chuỗi cung ứng hoàn thiện, vừa chủ động được tiêu thụ vừa chủ động sản xuất; liên kết với nhà sản xuất tại các quốc gia Việt Nam có FTA để đa dạng chủng loại nguyên phụ liệu, đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu.
Nguồn:Doanhnghiepvn.vn