Dệt may Việt Nam trước thử thách thương mại điện tử

Cuối tháng 9 vừa qua, hãng thời trang toàn cầu Forever 21 (F21) tuyên bố, đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ bởi khách hàng đã thay đổi thói quen sang mua sắm qua mạng. Điều này liệu có là tương lai 'không vui' với các DN dệt may Việt Nam?

Cuối tháng 9 vừa qua, hãng thời trang toàn cầu Forever 21 (F21) tuyên bố, đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ bởi khách hàng đã thay đổi thói quen sang mua sắm qua mạng. Điều này liệu có là tương lai 'không vui' với các DN dệt may Việt Nam?
 
 

 

DN dệt may Việt Nam đã định hướng đến phát triển thương mại điện tử. Ảnh: H.Dịu.

Nhiều thương hiệu quốc tế phá sản

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với dân số gần 100 triệu người, chi tiêu dùng hàng dệt may của người Việt hiện chiếm từ 5-6% chi tiêu, tương đương từ 3,5-4 tỷ USD. Đây là thị trường rất tiềm năng đối với các DN Việt. Nhiều thương hiệu thời trang trong nước đã phát triển mạnh. Tiêu biểu như Tổng công ty Đức Giang với các thương hiệu như Paul Downer, DGC, S.PEARL, HeraDG, Forever Young… Bên cạnh việc xây dựng các thương hiệu đã được khẳng định, Tổng công ty Đức Giang còn phát triển thêm chuỗi cửa hàng may đo Veston thương hiệu Smartsuits Tailor Shop, dựa trên nền tảng Nhà máy may Veston Đô Lương thuộc Tổng công ty Đức Giang do Tập đoàn Sumikin chuyển giao công nghệ theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Một số DN dệt may khác như Công ty may Nhà Bè, Việt Tiến, May 10... cũng không ngừng đầu tư cải tiến mẫu mã, mở rộng chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm nhằm gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty may 10 cho biết, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước thời gian gần đây, Tổng công ty May 10 đưa ra nhiều sản phẩm thời trang đa phong cách, chủng loại phong phú với nhiều chất liệu, kiểu dáng theo xu thế của thời trang Việt Nam và quốc tế.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp thời trang bán lẻ trong nước và thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng thấy, nhất là sự trỗi dậy của các cửa hàng bán lẻ trực tuyến. Theo đó, nguyên nhân khiến hãng thời trang toàn cầu Forever 21 (F21) tuyên bố đã đệ đơn xin phá sản được xem là nhằm tái cơ cấu hoạt động kinh doanh trong bối cảnh khách hàng ngày càng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang mua bán trên mạng. Trước đó, hồi đầu năm, Gap cũng tuyên bố đóng cửa 230 cửa hàng trong năm nay. Arcadia Group - công ty mẹ của Topshop và Topman - cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Ngoài ra, nhiều thương hiệu thời trang còn bị giảm doanh số khá mạnh.

Đối diện thách thức

Tại Việt Nam, điều đáng mừng là nhiều năm qua, ngành dệt may Việt Nam luôn thành công trong việc đẩy mạnh xuất khẩu ra các nước với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng qua các năm từ 8-10%. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, các DN lại chưa chiếm lĩnh được sân nhà và các hãng thời trang nước ngoài đang giữ ưu thế. Theo các chuyên gia, mạng lưới xuất khẩu và tiếp thị vẫn đang là điểm yếu lớn trong chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam. Trong đó, để tránh “bài học” phá sản như các thương hiệu quốc tế nêu trên, các DN Việt Nam phải tập trung chú ý vào thương mại điện tử.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, các DN trong ngành dệt may vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc xây dựng trang thương mại điện tử và bán hàng qua mạng. Cụ thể, nhiều DN đã bước đầu trển khai bán hàng hay cung cấp dịch vụ qua mạng nhưng các giao dịch còn chậm, chưa đầy đủ thông tin, thông tin chậm cập nhật, hình ảnh không bắt mắt nên chỉ chủ yếu nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm và giới thiệu DN. Do vậy, lượng truy cập còn khá khiêm tốn.

Về vấn đề này, ông Thân Đức Việt chia sẻ, trang thương mại điện tử của May 10 đã đi vào hoạt động từ 2 năm nay và cũng có tăng trưởng. Nhưng tất cả mới đang ở bước khởi đầu bởi xây dựng thương mại điện tử không dễ, nhất là khi May 10 tự đứng ra xây dựng hệ thống. Nhưng để khắc phục nhược điểm này, May 10 cũng đã xây dựng trang thông tin sản phẩm trên mạng xã hội và liên kết, hợp tác với các trang thương mại điện tử chuyên nghiệp trong nước và thế giới như Amazon, Lazada, Adayroi… Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, những trang thương mại lớn quá thì có nhiều nhà cung cấp, sự cạnh tranh sẽ khó khăn hơn.

Về phía Đức Giang, DN này cho biết cũng đã tăng cường sử dụng thương mại điện tử. Thậm chí, DN này còn phát triển thành chiến lược mạng lưới kênh phân phối, phát triển cân đối cả mạng lưới truyền thống và thương mại điện tử. Đối với các DN nhỏ, việc xây dựng thêm mạng lưới truyền thống không phải là điều dễ dàng. Bà Trần Hải Yến, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Bnew chia sẻ, DN chưa có đủ nhân lực và nguồn tài chính để phát triển. Hơn nữa, các DN dệt may nhỏ và vừa vẫn chủ yếu làm gia công cho các DN lớn nên phải chấp nhận “sống chung với lũ”.

Nhìn chung, trong điều kiện hiện nay, các DN dệt may của Việt Nam vẫn đang phải nỗ lực, không chỉ để trụ vững trên thị trường mà phải có sự phát triển thương hiệu, khẳng định tên tuổi. Vì thế, các DN không chỉ tận dụng khả năng mà phải tận dụng công nghệ cũng như các hướng phát triển kinh doanh mới để tránh dẫm phải “vết xe đổ” như các thương hiệu thời trang nổi tiếng và lâu năm thế giới nói trên.

(Theo Baomoi.com)

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/