Với kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỷ USD/năm, tạo việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, dệt may là ngành có vai trò lớn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn, đặc biệt môi trường nước, thậm chí chất thải rắn. Nhiều vụ việc về môi trường liên quan đến các hoạt động dệt may đã được phát hiện và xử lý trên phạm vi cả nước trong thời gian qua.
|
Lễ trao bản cam kết áp dụng tài liệu "Hướng dẫn quản lý hóa chất hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam" của Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường |
Sở dĩ có hệ lụy lớn về môi trường là do ở Việt Nam, lượng hóa chất các loại sử dụng trong DN dệt nhuộm khoảng 500 – 2.000 kg/tấn sản phẩm, trong đó có cả hóa chất dạng vô cơ là axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác nhau. Bên cạnh đó, đa số các DN trong ngành dệt may ở nước ta có quy mô vừa và nhỏ, nên thường chỉ chú trọng tới việc sản xuất, bán sản phẩm của mình và thường có phản ứng rất thụ động đối với công tác quản lý hóa chất. Nhiều DN chỉ quan tâm đến công tác này sau khi có sự cố xảy ra hay vấn đề liên quan đến sử dụng hóa chất trong sản xuất ở DN.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, ngành nhuộm là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là nước thải và ô nhiễm mùi. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 177 DN đang hoạt động trong lĩnh vực nhuộm in hoa và xử lý hoàn tất vải; 66 dây chuyền in hoa; 193 dây chuyền nhuộm liên tục; 750 máy nhuộm gián đoạn và khoảng 100 thiết bị nhuộm dạng sợi. Tuy nhiên, hầu hết các dây chuyền nhuộm, kể cả những dây chuyền hiện đại mới đầu tư đều chưa được quản lý và khai thác công nghệ tương xứng với tính năng thiết bị. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ trong ngành dệt nhuộm chậm hơn các khu vực xung quanh khoảng 15 – 20 năm. Hơn thế, số DN sử dụng công nghệ đồng bộ cao chỉ chiếm khoảng 15 – 20%, DN sử dụng dây chuyền công nghệ trung bình tới 70%, khoảng 10 – 15% DN sử dụng công nghệ thấp…
Trước thực trạng đó, tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung chia sẻ những vấn đề về phát triển bền vững ngành dệt may; những quy định mới về môi trường trong các Hiệp định thương mại thế hệ mới áp dụng cho ngành dệt may Việt Nam... cũng như các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn và quản lý hóa chất độc hại trong ngành dệt may…
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, trước vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, ngành dệt may cần phải thay đổi để phát triển một cách bền vững. Vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách quy định rõ ràng, minh bạch về tiêu chí công nghệ đầu tư đối với ngành dệt may; xây dựng các chương trình hỗ trợ DN lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn cho DN cách xác định hóa chất nguy hiểm và đánh giá đúng mức độ độc hại, nguy hiểm của hóa chất; kiểm soát chặt chẽ việc thống kê, các quy trình vận chuyển và cất giữ hóa chất. Phổ biến các kỹ năng cơ bản cho DN giảm thiểu tác hại của hóa chất đến con người và môi trường bằng các biện pháp như: hướng dân xây dựng, tổ chức, thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn; sử dụng các dung môi và điều kiện phản ứng an tòa hơn; tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng; sử dụng các nguyên liệu có thể tái chế; tránh làm phát sinh phụ phẩm; sử dụng chất xúc tác để tăng hiệu suất phản ứng; phát triển các hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng, quan trắc và phân tích theo thời gian.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai đặc biệt lưu ý các DN cần phải có đánh giá hiện trạng sử dụng hóa chất, cũng như đánh giá thực trạng việc cung ứng, thu mua hóa chất, rủi ro hóa chất, đánh giá tác động đến sức khỏe và an toàn lao động…