Dệt May Việt Nam sẽ thế nào trong Cách mạng Công nghiệp 4.0?
Những thành tựu của KH-CN đem lại là rất lớn tuy nhiên, với quy mô doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay, chỉ một số ít doanh nghiệp có đủ khả năng đầu tư ứng dụng CMCN 4.0.
Đây là nhận định của nhóm nghiên cứu gồm: Vinatex, ĐH Công nghiệp Dệt May HN, Viện nghiên cứu Dệt May và Viện Kinh tế & Quản lý (ĐH Bách khoa HN) sau hơn 10 tháng triển khai đề tài "Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đối với ngành Dệt May VN".
Sáng ngày 06/9 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo “Ngành Dệt May Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0” thuộc đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đối với ngành Dệt May Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019 – 2030”. Đây là đề tài độc lập cấp Nhà nước do Bộ Khoa học & Công nghệ giao cho Vinatex thực hiện, nhằm đánh giá và phân tích những ảnh hưởng của CMCN 4.0 tới ngành DMVN, từ đó đưa ra định hướng phát triển ngành tới năm 2030.
Toàn cảnh Hội thảo
Tới dự Hội thảo có PGS.TS Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ KH&CN; cùng đại diện các Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN), Vụ KH&CN, Vụ Công nghiệp (Bộ Công Thương); đại diện Đảng ủy Khối DN TW, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam; cùng đông đảo lãnh đạo các DN dệt may. Chủ trì và điều hành Hội thảo gồm: TS. Trần Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, ông Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Vinatex.
TS. Trần Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, ông Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Vinatex chủ trì và điều hành Hội thảo.
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, ông Lê Tiến Trường cho biết, với quy mô trên 40 tỷ USD, ngành DMVN cần có những bước chuẩn bị rất dài để thích ứng với cuộc CMCN 4.0 nếu không sẽ xảy ra những “cú sốc” lớn, ảnh hưởng đến tình hình SX-KD. Hiểu được điều này, Bộ KH&CN đã giao Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước để đánh giá và nhìn nhận lại sự ảnh hưởng của CMCN 4.0 tới ngành DMVN. Sau khoảng 10 tháng triển khai, nhóm thực hiện đề tài gồm 4 đơn vị: Vinatex, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Viện nghiên cứu Dệt May và Viện Kinh tế & Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã thực hiện khảo sát trên 100 DN gồm: DN FDI, DN tư nhân, DN CP còn vốn Nhà nước… và tham quan, tìm hiểu tại các Quốc gia hàng đầu về công nghệ trong ngành Dệt May của thế giới như Đức, Thụy Sỹ, Trung Quốc. Hội thảo lần này, nhóm thực hiện sẽ công bố những công việc đã thực hiện được trong 10 tháng qua, cũng như là cơ hội để nhóm thực hiện đề tài lắng nghe những đóng góp, ý kiến của các chuyên gia, DN để nhóm có những chỉnh sửa cần thiết trước khi tiến hành báo cáo Bộ KH&CN.
Ông Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, các khách mời đã được lắng nghe 4 chuyên đề, bài trình bày gồm:
1. Sự ra đời của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và mức độ ảnh hưởng tới các ngành sản xuất công nghiệp do TS. Nguyễn Đức Kiên trình bày.
2. Định hướng phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam trong bối cảnh trường Đại học Công nghệp Dệt May Hà Nội- Thành viên chính thực hiện đề tài.
3. Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề về lao động, xã hội do TS. Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN).
4. Những thành tựu nổi bật của khoa học công nghệ trong ngành dệt may thế giới – Hiện tại và tương lại do ThS. Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Thành viên chính thức thực hiện đề tài.
ThS. Cao Hữu Hiếu trình bày chuyên đề “Những thành tựu nổi bật của khoa học công nghệ trong ngành dệt may thế giới – Hiện tại và tương lại”
Trong đó, nhóm đề tài chủ yếu tập trung vào giới thiệu những kết quả trong cuộc khảo sát kéo dài 10 tháng về những ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 tới ngành DMVN, đồng thời giới thiệu những thành tựu nổi bật của KH-CN khi ứng dụng vào sản xuất. Theo đó, KH-CN đã thực sự mang đến một cuộc cách mạng, làn gió mới cho những ngành như: Sợi, Dệt, Nhuộm và một số ngành công – nông nghiệp phụ trợ. Theo ông Cao Hữu Hiếu, trước đây trung bình của ngành 1 vạn cọc sợi phải sử dụng khoảng 100 CN, nhưng hiện nay những nhà máy Sợi của Vinatex đã giảm xuống chỉ còn 60 – 70 CN/ 1 vạn cọc. “Trong chuyến đi khảo sát của nhóm thực hiện đề tài tại Trung Quốc, những Nhà máy Sợi của bên họ chỉ sử dụng 10 – 15 lao động và tiến tới chỉ còn 5 lao động/1 vạn cọc.” Ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.
Đối với ngành May, lượng lao động chiếm tới 95% trong ngành, hiện đã có những công đoạn được tối ưu bằng máy móc thay thế dần con người. Ông Thân Đức Việt – TGĐ TCT May 10 cho biết, hiện trên thế giới có những công nghệ nào hiện đại nhất trong ngành May thì May 10 đều sở hữu. Tuy nhiên, việc tự động hóa, máy móc thay thế con người chỉ mới đạt khoảng 30% ở một số công đoạn, còn lại vẫn phải sử dụng NLĐ.
Đồng ý với ý kiến của lãnh đạo May 10, ông Lê Tiến Trường cho rằng, theo như báo cao của ILO về việc 85% NLĐ sẽ mất việc bởi CMCN 4.0 là chưa thật sự chính sác. Hiện máy móc, tự động hóa mới chỉ thực hiện được ở ngành Sợi, Dệt, Nhuộm, còn ngành May vẫn phải sử dụng tương đối nhiều lao động, mà có những sản phẩm như veston, áo jacket không thể thực hiện hoàn toàn bằng máy móc.
TS. Hoàng Xuân Hiệp trình bày về những tác động của CMCN 4.0 tới lao động ngành Dệt May
Theo TS. Hoàng Xuân Hiệp, cuộc CMCN 4.0 không làm giảm số lao động đi, mà chỉ mang đến những cơ hội công việc mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân lực vận hành có qua đào tạo nhiều hơn. Do đó, từ nay đến năm 2030, sẽ cần thay đổi phương thức đào tạo, cũng như có chiến lược trong việc phát triển đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu mới.
Thứ trưởng Bộ KH & CN – Bùi Thế Duy đánh giá cao đề tài do Vinatex phối hợp cùng các đơn vị thực hiện
Đánh giá cao những công việc của nhóm thực hiện đề tài đã làm được, Thứ trưởng Bộ KH & CN, Bùi Thế Duy cho rằng đây là lần đầu tiên có một đề tài nghiên cứu nghiêm túc, sâu sát và đúng trọng tâm về những ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 tới ngành DMVN, thay vì những nhận định có phần lý thuyết như trước đây. Tuy nhiên, nhóm cần làm rõ thêm một số ý về cách tính năng suất lao động, giá trị sản phẩm…
Nguồn: Vinatex