Có nên nội địa hóa bằng mọi giá?

Thời gian qua, nhất là từ khi CPTPP có hiệu lực, đã dấy lên một luồng ý kiến thúc đẩy ngành DMVN phải nội địa hóa tối đa, lo ngại rằng ngành sẽ khó tăng trưởng khi lợi thế về nhân công giá rẻ không còn… Vậy, nội địa hóa tối đa ngay lúc này có phải là bước đi phù hợp cho phát triển bền vững?

PV Tạp chí Dệt May & Thời trang Việt Nam có cuộc trao đổi về vấn đề nêu trên với ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Vinatex.

Ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam

Thưa ông, liệu CPTPP có là cú hích đủ mạnh để DMVN bứt lên thoát kiếp gia công?

CPTPP là một động lực phù hợp cho ngành DMVN phát triển sản xuất nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, thực tế số lượng nhập khẩu từ các nước trong khối CPTPP không có Mỹ, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 14,5% trên tổng số xuất khẩu của toàn Ngành năm 2018. Nhiều báo chí hiện nay hay hỏi, tại sao DMVN không đầu tư mạnh và nhanh vào các khâu có giá trị gia tăng khác để tối đa lợi nhuận?

Quả thực đó là câu hỏi hay, nhưng khó. Và có thực mới vực được đạo. DMVN chưa thể lập tức đầu tư nhanh và mạnh vào khâu dệt, nhuộm hoàn tất, marketing, phân phối… những khâu mang lại lợi nhuận cao nhưng đòi hỏi tỷ suất đầu tư rất cao, cùng với nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng, cũng như phải tính toán cho ra lời giải về quy mô, khi bên cạnh là nước láng giềng Trung Quốc, với quy mô sản xuất lớn gấp hơn 50 lần chúng ta, đương nhiên giá cả cũng cạnh tranh hơn nhiều lần. Hiện nguồn lực về tài chính, nhân sự, thị trường của ta đều chưa đủ để đầu tư sản xuất toàn bộ nguyên liệu cho khu vực CPTPP.

DMVN cần phải đi thăng bằng trên dây, nghĩa là vừa cân đối bài toán phát triển bền vững, và đáp ứng theo lộ trình có tính toán về lợi thế, các quy tắc xuất xứ của CPTPP. Không thể vội vã đầu tư dàn trải, dẫn đến mất thăng bằng và lộn nhào.

Trên thực tế, hiện nay quy mô sản xuất vải của Việt Nam đạt cỡ 2 tỷ mét/ năm. Trong khi quy mô sản xuất của Trung Quốc lên tới gần 90 tỷ mét/ năm 2017. Để đáp ứng quy tắc xuất xứ, giả định chúng ta tăng quy mô sản xuất lên 8 tỷ mét/năm, cũng chỉ xấp xỉ bằng 8% quy mô sản xuất của Trung Quốc. Hẳn nhiên giá vải ta sản xuất ra sẽ có giá cao hơn ít nhất 30% so với giá vải của Trung Quốc, vậy thì các nước khu vực CPTPP liệu có chấp nhận? Để được hưởng khoảng chừng 18% giảm thuế, mà ta mua vải do chính mình sản xuất ra cao hơn 30% so với vải Trung Quốc, rõ ràng lại là vấn đề cho cân bằng thu – chi, khó có lợi nhuận. Chưa kể việc với 8 tỷ mét vải đó, lại là những loại vải rất khác nhau, phải chia ra sản xuất ở 100 nhà máy khác nhau chẳng hạn, sẽ càng khó khăn cho khâu cung ứng, và giá thành càng khó cạnh tranh với vải Trung Quốc. Việc quản trị chuỗi cung ứng cũng phức tạp hơn khi phải dàn sản xuất ra như vậy với lượng hàng rất nhỏ.

Như vậy có nghĩa là chưa đến lúc Ngành DMVN tăng tối đa tỷ lệ nội địa hóa bằng mọi giá?

Chúng tôi không nhắm tới mục tiêu phải nội địa hóa tối đa bằng mọi giá. Điều này có vẻ mâu thuẫn với mục tiêu gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Hãy nhìn nhận một thực tế rằng, Trung Quốc hiện nay vẫn cung ứng 57% thị trường dệt may toàn cầu, chúng ta hãy nên tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng này, bằng năng lực phù hợp nhất của mình, bằng thế mạnh của mình, trong khi tiếp tục đầu tư mới một cách thận trọng.

Ông có thể cho biết tiêu chí đầu tư thận trọng vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp tiêu biểu trong Tập đoàn?

Chúng tôi đang xây những điển hình trong đầu tư, ví như Công ty CP Quốc Tế Phong Phú (PPJ), làm theo phương pháp ODM. Họ có Trung tâm nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm kỹ thuật cao đặt tại 940 Quốc lộ 1A, phường Linh Trung, (Quận Thủ Đức, HCM) hiện đang ứng dụng công nghệ xanh bền vững như laser, Eflow, Ozone, SmartLab, robot tự động vào quy trình sản xuất làm tăng năng suất lao động. Nếu như trước đây xử lý phun PP một chiếc quần jean bằng tay, nay khi sử dụng robot cho khâu này thì công suất của robot nhanh gấp 20 lần so với người lao động thủ công, với việc ứng dụng kỹ thuật Laser thì năng suất cũng nhanh gấp 20 lần so với việc thực hiện thủ công bằng tay. Đặc biệt, với hệ thống công cụ này, việc sản xuất không gây độc hại tới môi trường cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tự động hóa đặc biệt bắt đầu từ khâu thiết kế sản phẩm, đó cũng là xu hướng mà ngành Dệt May cần hướng đến đầu tư vào khâu thiết kế, phát triển sản phẩm và kỹ thuật cao. Trung tâm này đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại tiếp cận xu hướng thời trang, công nghệ tự động, đầu tư robot hiện đại bậc nhất phục vụ cho khâu phát triển sản phẩm, ứng dụng rộng rãi các công nghệ Wash tiên tiến: công nghệ wash Ozone, công nghệ 3D toàn thân, công nghệ Ép nhũ Foil lên sản phẩm Jeans, công nghệ Coating, công nghệ Laser, công nghệ Eflow…

Hẳn rằng tỷ suất đầu tư cho dự án là rất lớn, thưa ông?

Đúng vậy, ví dụ trung bình đầu tư cho một chỗ ngồi làm việc ở nhà máy có thiết bị bình thường là 80 triệu đồng, thì ở nhà máy công nghệ cao như trung tâm Linh Trung của PPJ, chi phí là khoảng 800 triệu đồng. Như vậy, tính chi phí đầu tư cho một dự án công nghệ cao với 300 người làm việc, đã lên tới 200 tỷ đồng. Cái được của việc đầu tư các dự án công nghệ cao trong dệt may, đó là mang lại giá trị gia tăng cao, và bài toán khấu hao được giải quyết tốt. Từ những mô hình như PPJ, chúng tôi theo lộ trình phù hợp sẽ nhân rộng dần ra các dự án khác.

Xin cảm ơn ông!

Theo VTGF – Đón đọc Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam số tháng 8/2019 tại đây!

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/