Nội luật hóa CPTPP: Hiện thực hóa lợi ích cho ngành dệt may
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư hướng dẫn biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp và biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Dự thảo thông tư này chỉ rõ, giai đoạn chuyển tiếp đối với hàng dệt may là thời gian bắt đầu từ khi hiệp định có hiệu lực cho đến 5 năm sau ngày nước thành viên nhập khẩu xóa bỏ thuế cho hàng dệt may. Biện pháp khẩn cấp được áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp đối với hàng dệt may trong trường hợp việc giảm, xóa bỏ thuế dẫn đến gia tăng nhập khẩu, gây hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.
|
Doanh nghiệp dệt may cần chủ động nắm rõ thông tin về thị trường xuất khẩu |
Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may phải tuân thủ một số nguyên tắc: Không được áp dụng cùng lúc với một số biện pháp khác đối với cùng một hàng hóa, tại cùng một thời điểm; không được áp dụng quá giai đoạn chuyển tiếp đối với hàng dệt may... Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may phải được thực hiện thông qua quy trình, thủ tục điều tra phù hợp với các quy định hiện hành…
Theo bà Nguyễn Sơn Trà - Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trên cơ sở chương trình hành động của Chính phủ thực hiện CPTPP, Bộ Công Thương cụ thể hóa các hoạt động có liên quan đến chức năng nhiệm vụ để hỗ trợ cho doanh nghiệp thực thi và tận dụng tối đa các lợi ích hiệp định CPTPP mang lại. Một trong những công việc lớn đó là nội luật hóa hiệp định. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã triển khai công tác tuyên truyền phổ biến, cải cách pháp luật thể chế, xây dựng chiến lược, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cũng theo bà Trà, Bộ Công Thương có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP. Tuy nhiên, để việc hỗ trợ đạt hiệu quả tốt nhất, cần sự chủ động hơn nữa của doanh nghiệp trong quá trình phối hợp, thực thi.
Đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong nội luật hóa CPTPP, ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho hay, cùng với dự thảo Thông tư trên, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCTnội luật hóa quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ.
Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định riêng về cách áp dụng bộ hàng hóa đối với dệt may; chưa nội luật hóa trường hợp xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất riêng cho dệt may. Do vậy, để các doanh nghiệp dệt may trong nước tận dụng tốt quy tắc tự chứng nhận xuất xứ, cần đưa ra quy chế thông thoáng, đơn giản hơn trong việc cấp C/O với hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp dệt may trong nước nào cũng nắm rõ các quy định về thủ tục tự chứng nhận xuất xứ theo CPTPP, thủ tục đăng ký thông tin với nước xuất khẩu, thủ tục lưu trữ hồ sơ… “Do đó, các cơ quan chức năng cần tổ chức một số buổi tập huấn trọng điểm về các vấn đề này giúp doanh nghiệp nắm rõ thông tin, tránh làm sai”, ông Cao Hữu Hiếu nói.CPTPP được nhận định là khối thị thường xuất khẩu lớn và tiềm năng của dệt may Việt Nam. Nửa đầu năm 2019, khối thị trường này đóng góp hơn 5 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Trong đó, Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 3,8 tỷ USD, tiếp đến là Canada 666 triệu USD, Australia 222 triệu USD. Dù lượng xuất khẩu sang khối thị trường này chưa đạt như kỳ vọng, song ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, cần thời gian để doanh nghiệp có thể bắt nhịp và đánh giá hết được tác động của CPTPP đến ngành.
Nguồn:Congthuong.vn