|
Giới thiệu công nghệ sản xuất sợi tại triển lãm dệt may tổ chức tại TPHCM: Ảnh; Nguyễn Huế |
Với kết quả xuất khẩu của 6 tháng đầu năm, khó khăn của ngành sợi có thể kéo dài đến hết năm 2019. Theo phân tích của Công ty CP chứng khoán Bảo Việt, lo ngại về suy giảm về nhu cầu tiêu dùng ảnh hưởng từ các bất ổn kinh tế toàn cầu trong tương lai với các rủi ro từ thương chiến Mỹ- Trung, xu hướng bảo hộ trong thương mại quốc tế cũng như tương lai khó đoán của tiến trình Brexit... khiến nhà sản xuất/nhãn hàng cắt giảm hoặc tạm thời hoãn các đơn hàng, trong đó ngành sợi sẽ là ngành chịu tác động đầu tiên.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành “bóng ma” của chiến tranh thương mại đã bao trùm lên ngành sợi Việt Nam vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành sợi, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sợi của Việt Nam đi thế giới. Do đó, bất kỳ biến động nào đối với ngành dệt may Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngành sợi Việt Nam.
Có thể thấy, diễn biến tình hình xuất khẩu sợi của Việt Nam bám sát với diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9/2018, kim ngạch xuất khẩu sợi của Việt Nam trung bình mỗi tháng giảm khoảng 2,5%. Đơn giá xuất khẩu sợi Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã giảm từ mức trung bình 3,05 USD/kg xuống còn 2,99 USD/kg, giảm khoảng 1,97%.
Ngày 17/9/2018, việc áp thuế bổ sung 10% lên gói 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có hiệu lực, thị trường sợi lập tức bị ảnh hưởng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu sợi tháng 10/2018 của Việt Nam giảm 7,19% so với tháng trước đó (tương đương giảm 23,76 triệu USD), trong đó riêng xuất khẩu sợi sang Trung Quốc giảm trên 22% từ 218,33 triệu USD xuống còn 172,98 triệu USD tương đương giảm 45,4 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sợi của Việt Nam vào Trung Quốc cũng đã giảm đến 80% về sản lượng so với năm trước. Theo phân tích của các chuyên gia có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xuất khẩu vào Trung Quốc sụt giảm mạnh. Trong đó có nguyên nhân do chiến tranh thương mại đã làm ảnh hưởng đến các ngành sợi, dệt của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc tồn kho rất lớn về vải, hàng loạt nhà máy dệt may phải đóng cửa. Điều này khiến sản phẩm của ngành kéo sợi Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc bị giảm đi.
Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, tác động của chiến tranh thương mại đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu sợi của Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do không có đơn hàng mới từ thị trường Trung Quốc hoặc khách trả giá rất thấp. Bên cạnh đó, các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Đài Loan tuy vẫn có đơn hàng nhưng số lượng rất nhỏ
Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt về đơn hàng từ các doanh nghiệp sợi FDI trong nước, các doanh nghiệp từ các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan và giá bán vẫn theo xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi cũng đang đặt các doanh nghiệp sợi trước nhiều thách thức
Trước khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa dừng lại như hiện tại do hai bên còn quá nhiều bất đồng chưa thể giải quyết, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp sợi cần có các phương án chiến lược sản xuất phù hợp theo sát tình hình thị trường, xác định rõ điểm đáy theo kịch bản xấu nhất để chuẩn bị thật tốt cho các diễn biến tiếp theo của thị trường.
Trước khó khăn của thị trường Trung Quốc, theo thông tin từ ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành sợi đã bắt đầu có sự chuyển dịch sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông. Một số sản phẩm xuất ngược sang thị trường Đài Loan. Việc linh động chuyển dịch thị trường được kỳ vọng sẽ giúp ngành sợi trụ vững trước sự sụt giảm mạnh của thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019 dự kiến đạt khoảng 30 tỷ USD.
Nguồn:Haiquanonline.com.vn