Theo đó, biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp (biện pháp tự vệ chuyển tiếp) là biện pháp tự vệ đặc biệt quy định tại Điều 99 Luật Quản lý ngoại thương, được áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp đối với hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp việc giảm thuế hoặc xóa bỏ thuế theo hiệp định dẫn đến gia tăng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối so với sản lượng trong nước gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp.
Trong đó, giai đoạn chuyển tiếp đối với hàng dệt may là thời gian bắt đầu từ khi hiệp định có hiệu lực cho đến 5 năm sau ngày nước thành viên nhập khẩu xóa bỏ thuế cho hàng dệt may của nước thành viên xuất khẩu theo CPTPP.
Nội dung điều tra biện pháp tự vệ chuyển tiếp bao gồm xác định mức gia tăng hàng hóa nhập khẩu từ một hoặc nhiều nước thành viên; xác định thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước và xác định mối quan hệ nhân quả giữa việc gia tăng nhập khẩu hàng hóa theo quy định với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, theo dự thảo, biện pháp tự vệ chuyển tiếp không được áp dụng cùng lúc, cùng một hàng hóa, tại cùng một thời điểm với các biện pháp như tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, hoặc trường hợp khẩn cấp đối với hàng dệt may và không được áp dụng vượt quá giai đoạn chuyển tiếp.
Đồng thời, biện pháp tự vệ chuyển tiếp không được áp dụng quá một lần đối với một loại hàng hóa đã bị áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp trước đó; không được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu diện hạn ngạch thuế quan theo hiệp định; không được áp dụng dưới hình thức hạn ngạch thuế quan hoặc biện pháp hạn chế về lượng nhập khẩu.
Về biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may, theo dự thảo đây là biện pháp tự vệ đặc biệt, được áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp đối với hàng dệt may được hưởng ưu đãi thuế quan trong trường hợp việc giảm hoặc xóa bỏ thuế theo hiệp định dẫn đến gia tăng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối so với sản lượng trong nước và gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp.
Biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may không được áp dụng cùng lúc với biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng dệt may đó từ nước ngoài vào Việt Nam và biện pháp tự vệ chuyển tiếp đối với hàng dệt may đó. Ngoài ra, biện pháp khẩn cấp cũng không được áp dụng quá một lần đối với hàng dệt may đã bị áp dụng trước đó.
Mặt khác, dự thảo cũng nêu rõ, hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp gồm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp và các giấy tờ, tài liệu có liên quan.
Cũng theo dự thảo, trong trường hợp không có tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu nhưng có dấu hiệu rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu quá mức từ một hoặc nhiều nước thành viên vào Việt Nam do thực hiện cam kết theo hiệp định trong giai đoạn chuyển tiếp gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước, cơ quan điều tra có thể lập hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp gửi Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét quyết định điều tra.
“Trên cơ sở kết luận của cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp khi có các yếu tố như có sự gia tăng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng sản xuất trong nước của hàng hoá nhập khẩu bị điều tra từ một hay nhiều nước thành viên do kết quả của việc giảm thuế hoặc xóa bỏ thuế của hàng hóa đó theo hiệp định; ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng…
Theo đó, biện pháp tự vệ chuyển tiếp được áp dụng dưới hình thức sau: Đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế suất theo quy định của hiệp định này đối với hàng hóa đó; tăng thuế suất đối với hàng hóa đó không vượt quá thuế suất theo nguyên tắc tối huệ quốc có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất theo nguyên tắc tối huệ quốc có hiệu lực vào ngày liền trước ngày hiệp định có hiệu lực, tùy mức nào thấp hơn.
“Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp không được vượt quá 2 năm. Trong trường hợp cơ quan điều tra kết luận rằng cần tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước thì thời hạn áp dụng có thể kéo dài thêm tối đa 1 năm. Trong trường hợp biện pháp tự vệ chuyển tiếp dài hơn 1 năm, Bộ Công thương phải dần nới lỏng biện pháp tự vệ chuyển tiếp cho từng giai đoạn đều đặn trong suốt quá trình áp dụng biện pháp”, dự thảo quy định rõ.