Dệt may trước cơ hội và thách thức

Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực, dệt may sẽ là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp (DN) may nào cũng hiểu để có thể nắm bắt được cơ hội từ EVFTA, bởi nhiều DN vẫn còn khá thờ ơ với EVFTA. Đó là nhận định được đưa ra tại Tọa đàm “Ngành dệt may trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 2/8.

90% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu

Năm 2019, mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may là đạt kim ngạch 40 tỷ USD, trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất vẫn là Mỹ (chiếm 42%), tiếp đến là thị trường EU (21%) và xếp sau đó là Nhật Bản (19%), Hàn Quốc (14%)…

Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), EU vẫn là thị trường có tính chiến lược trọng điểm lâu dài, các mặt hàng vào thị trường này vẫn có xu hướng gia tăng cao hơn các thị trường khác. Đây cũng là thị trường đối tác lâu năm của Việt Nam, từ 1992 đến nay, nên có những thuận lợi nhất định đối với các DN Việt Nam đó là hiểu thị hiếu, văn hóa, sở thích tiêu dùng của người dân châu Âu trong lĩnh vực thời trang. Tuy nhiên, theo ông Giang, mặc dù có những lợi thế nhất định, song các sản phẩm dệt may của Việt Nam đang phải cạnh tranh khá gay gắt về giá của các sản phẩm đến từ thị trường khác như Ấn Độ, Trung Quốc. Đây là những thị trường xuất khẩu với số lượng cũng không hề nhỏ vào thị trường EU, và giá khá cạnh tranh. Chính bởi vậy, thách thức về giá cũng là một điểm mà các DN dệt may Việt Nam cần phải lưu ý, để từ đó cung ứng các sản phẩm có giá cạnh tranh hơn.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất chính là quy tắc xuất xứ. Mặc dù, quy tắc xuất xứ trong hiệp định EVFTA “dễ thở” hơn so với quy tắc của hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đó là quy tắc từ vải trở đi, cho phép được cộng gộp nhập vải từ các quốc gia có ký kết FTA với châu Âu, tuy nhiên, theo Chủ tịch Vitas, vấn đề chủ động nguồn nguyên phụ liệu vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của ngành dệt may nước nhà.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Trang- Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho hay, nguồn cung nguyên phụ liệu là bài toán khó hiện nay không chỉ đối với riêng ngành dệt may mà còn là thách thức với tất cả các ngành khi chúng ta thực thi các FTA. Theo bà Trang, đến 90% nguyên phụ liệu của chúng ta hiện nay đang nhập khẩu từ các nguồn không phải thành viên trong EVFTA, do đó nếu không tìm cách chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu… sẽ không được ưu đãi, kể các ưu đãi trong quy định về cộng gộp. “Đây sẽ là yếu tố tạo động lực, thúc đẩy các ngành kinh tế của chúng ta trong việc xây dựng các nhà máy, vùng nguyên liệu để chủ động nguyên liệu, không riêng gì với ngành dệt may. Yếu tố này là rất quan trọng để chúng ta có thể tham gia vào các hiệp định song phương và đa phương”- bà Trang lưu ý.

Thờ ơ với EVFTA sẽ thiệt thòi

Nói thêm về câu chuyện chủ động nguồn nguyên phụ liệu, ông Vũ Đức Giang cho biết, tin vui là trong vòng 3 năm trở lại đây, nhiều nhà máy nguyên phụ liệu đã được các DN nước ngoài đổ vốn vào đầu tư xây dựng tại nhiều địa phương trên cả nước, cho thấy, EVFTA đang tạo ra sức hút lớn thu hút các DN châu Âu đầu tư vào ngành dệt may. Theo ông Giang, điều này chưa từng có trước đây. Trước đây, chưa có một DN châu Âu nào đầu tư vào ngành may mặc, nhưng hiện nay các nhà đầu tư Pháp, Ý bắt đầu tìm đến Việt Nam xây dựng các nhà máy để sản xuất các nguyên phụ liệu cho lĩnh vực này. Mới nhất năm 2018 có một Tập đoàn của Pháp đã đầu tư xây dựng nhà máy dệt len tại Đà Lạt, hay hiện tại Isarel đầu tư nhà máy len ở Bình Định… “Rõ ràng, EVFTA đang tạo động lực cho các DN trong nước cũng như DN FDI đầu tư vào nguyên phụ liệu. Đây chính là cơ sở để chúng ta phát triển và chủ động nguồn nguyên phụ liệu”- ông Giang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay, dù EVFTA đã ở ngay trước mắt, nhưng nhiều DN Việt Nam dường như vẫn còn đang khá thờ ơ với Hiệp định này. Theo bà Trang, các DN có thể không quan tâm nhiều đến tác động của EVFTA đối với tăng trưởng GDP hay những vấn đề vĩ mô khác, cái họ cần quan tâm là cơ hội mà Hiệp định này mang lại, những rủi ro hay các vấn đề họ sẽ gặp phải khi tham gia vào thị trường 28 nước này… Do đó, vấn đề cốt lõi là các DN Việt Nam nói chung, DN dệt may nói riêng phải hiểu và nắm rất rõ về Hiệp định này. “Theo điều tra PCI 2018, khảo sát trên 8.600 DN với câu hỏi DN hiểu gì biết gì về các Hiệp định thương mại tự do? Tin mừng là EVFTA này có tỷ lệ cao nhất: 65% DN biết về Hiệp định này nhưng tin không mừng là số này chỉ nghe nói mà không tìm hiểu kỹ. Số tìm hiểu chỉ 21% và số nắm bắt rất rõ chỉ hơn 10%”- bà Trang thông tin và cho rằng, nếu DN Việt Nam vẫn thơ ơ, thiếu chủ động trong việc nắm bắt thông tin thì sẽ vô cùng thiệt thòi khi EVFTA được thực thi.

Chủ tịch Vitas cũng cho rằng, để thực thi Hiệp định một cách hiệu quả, vấn đề cần làm hiện nay là nhà quản lý nên sớm đưa ra những dòng thuế trong từng mặt hàng may mặc để DN nắm rõ thông tin. Trong ngành dệt may cần biết bao nhiêu dòng, mã HS được hưởng thuế… “Bên cạnh đó, bản thân mỗi lãnh đạo DN cần phải nắm bắt các thông tin về các Hiệp định để có thể hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm, ngành hàng của mình”- ông Giang nhấn mạnh.

Nguồn:Daidoanket.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/