Trái ngược với kỳ vọng đơn hàng sẽ tăng cao trong năm 2019 của các doanh nghiệp (DN) dệt may, tình trạng thiếu hụt đơn hàng đang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là tại khu vực miền Bắc.

Doanh nghiệp lớn cũng thiếu

Hồi đầu năm, nhiều chuyên gia dự báo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ giúp các đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa ký kết sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may vào các thị trường nội khối. Thế nhưng, tại buổi họp báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) mới đây, ông Trương Văn Cẩn, Tổng Thư ký hiệp hội, thông tin tình trạng đơn hàng của các DN không khả quan so với năm 2018 và khan hiếm đơn hàng đang diễn ra khá phổ biến, không chỉ ở những DN nhỏ mà cả DN lớn trong ngành như May 10, May Việt Tiến cũng bị sụt giảm. Lượng đơn hàng của nhiều DN chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, tiêu thụ sợi và phụ liệu cũng gặp nhiều khó khăn.

Nhìn tổng thể, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến ngành dệt may. Đáng chú ý trong đó là xuất khẩu sợi giảm mạnh, 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,1%. Tổng Công ty CP Phong Phú đang gặp khó trong việc xuất khẩu sợi cotton vì Trung Quốc hiện đang mua dưới giá thành nên phải dừng xuất khẩu, chuyển sang cung ứng trong nội bộ để dùng sản xuất khăn. Đó là lý do doanh thu 6 tháng đầu năm của DN giảm nhưng may mắn là lợi nhuận không mất đi. "Các DN sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỉ USD cả năm 2019" - ông Cẩn nói.

Dù vậy, theo thống kê của Vitas, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng của năm 2019 ước đạt 17,97 tỉ USD, vẫn tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hàng may mặc đạt 14,02 tỉ USD, tăng 8,71% và Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu vải và may mặc lớn nhất của Việt Nam, đạt 7,22 tỉ USD, tăng 12,84% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần một nửa tổng giá trị hàng may mặc xuất khẩu 6 tháng.

Dệt may không tăng như kỳ vọng - Ảnh 1.

Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp dệt may chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Ảnh: TẤN THẠNH

"Không biết đâu mà lần"

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP HCM, cho biết kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may cả nước dù có tăng nhưng mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng tới 17%). "Phần lớn đơn hàng về các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DN Việt ở phía Bắc thiếu hụt; DN khu vực TP HCM và địa bàn lân cận có giảm nhưng không thiếu" - ông Hồng nhận xét. Đơn hàng không tăng trưởng nhiều do thương chiến Mỹ - Trung tạo bất ổn về tình hình kinh tế toàn cầu, tình hình tiêu thụ chung trên thế giới sụt giảm nên thị trường không tăng như kỳ vọng. DN Việt cũng chưa khai thác hiệu quả của các hiệp định do chưa đáp ứng được nguồn gốc xuất xứ về nguyên phụ liệu. Rồi cạnh tranh về khả năng cung ứng giữa Việt Nam và các thị trường xuất khẩu khác, kể cả Campuchia, cũng là nguyên nhân khiến đơn hàng kém dồi dào.

Cũng theo ông Hồng, bên cạnh mối lo đơn hàng, các DN còn đau đầu vì áp lực giá cả, chi phí đầu vào tăng, thiếu hụt lao động trong khi đơn giá không tăng. "Hai quý cuối năm vẫn tiếp tục khó chứ chưa có triển vọng. Trước mắt, quý III tương đối ổn định, đang chuẩn bị cho quý IV" - ông Hồng thông tin.

Ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú, thừa nhận mọi dự báo ở ngành dệt may, từ sợi, dệt đến may đều không như thực tế. Giá bông, sợi biến động liên tục, tăng giảm theo từng thông tin về việc đánh thuế tiếp hay đạt thỏa thuận giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bối cảnh này khiến nhiều DN "không biết đâu mà lần"… Đến giờ, không ai dám dự báo nhưng cũng không dám mua dự trữ quá nhiều vì quá rủi ro.

Lãnh đạo DN này phân tích thêm sự thay đổi quá nhanh trong chiến lược toàn cầu, sự cạnh tranh khốc liệt với các DN FDI… khiến cho ngành sợi - vải Việt Nam chao đảo. "Các hiệp định thương mại tự do mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam nhưng cũng đặt ra sức ép về cạnh tranh ở khu vực và thế giới. Để tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức, chúng tôi định hướng thu hẹp lại một số lĩnh vực không phải là thế mạnh nhằm phản ứng nhanh với thị trường, đồng thời tập trung đẩy mạnh đầu tư những ngành nghề cốt lõi, phát triển thận trọng trong điều kiện thị trường nhiều biến động" - ông Trình cho hay.

Trở lại câu chuyện liên kết

Đánh giá về tác động từ thương chiến Mỹ - Trung đến ngành dệt may trong trung dài hạn, bộ phận nghiên cứu về dệt may thuộc Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất gia công may mặc ra khỏi Trung Quốc, sang các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, trong dài hạn, DN cần có giải pháp đi sâu vào chuỗi giá trị, bởi những lợi thế về chi phí của Việt Nam sẽ mất dần đi và gặp áp lực cạnh tranh lớn từ Campuchia, Bangladesh. Chưa kể, áp lực từ chính các DN FDI may mặc dịch chuyển từ Trung Quốc sang nhằm tận dụng cơ hội về ưu đãi thuế…

Theo Vitas, để phát triển bền vững, ngành dệt may cần giải quyết được điểm nghẽn ở khâu dệt nhuộm. Trước mắt, để đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm, các DN sẽ phải nỗ lực tìm thêm đơn hàng để bảo đảm sản xuất liên tục từ nay đến cuối năm. Mặt khác, DN cần liên kết, chia sẻ với nhau cũng như liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang là thành viên để tận dụng các ưu đãi mang lại.

Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng chính áp lực cạnh tranh đã kéo DN lại gần nhau hơn. "Họ buộc phải chủ động hơn trong việc giao lưu, chia sẻ, liên kết với nhau và với cả DN FDI, DN nhập khẩu để khai thác đơn hàng, thị trường tốt hơn. Riêng về mảng dệt nhuộm, các DN chưa dám đầu tư mà còn chờ chính sách rõ ràng từ phía nhà nước. Điều DN quan tâm nhất hiện nay là nhà nước làm sao kiểm soát được hàng nhái, hàng giả, hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam để xuất khẩu bởi nếu không kiểm soát được, toàn ngành sẽ đối mặt với rủi ro lớn" - ông Hồng bày tỏ.

Chỉ tận dụng được 35% sợi nội địa

Theo phân tích của SBS, mảng dệt nhuộm yếu kém khiến ngành dệt may chỉ tận dụng được khoảng 35% sợi sản xuất nội địa trong khi đó 84% vải nguyên liệu phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc đáp ứng các nguyên tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại. Chưa kể, ngành dệt may còn thiếu và yếu trong khâu thiết kế, in nên khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sản phẩm dệt may hiện phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố bên ngoài như giá bông, giá polyester, giá nguyên phụ liệu...

 

Thanh Nhân - Thái Phương