Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho sản xuất vải?

Để tháo gỡ những khó khăn về nguồn nhân lực, mặt bằng sản xuất, công nghệ và vốn, các doanh nghiệp phải liên kết lại với nhau.

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm dệt may. 6 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu được 19 tỷ USD và phấn đấu cuối năm xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, trong đó TP HCM chiếm khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu.

Đáng nói là mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 3 tỷ USD sợi, nhưng phải bỏ ra khoảng 20 tỷ USD để nhập vải, đây là con số không nhỏ, vì nguồn nguyên liệu vải trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 30%. Vậy đâu là điểm nghẽn sản xuất vải và giải pháp nào để phát triển nguồn nguyên liệu này giúp doanh nghiệp Việt hưởng thuế suất ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA?

Khó khăn của nhiều doanh nghiệp sản xuất vải ở TP HCM chính là nguồn nhân lực.

Để đón đầu nguồn nguyên liệu vải cho các doanh nghiệp dệt may khi hiệp định CPTPP và EVFTA có hiệu lực, cách đây hơn 1 năm Công ty Kim Long đã xây dựng thêm nhà máy và nâng công suất sản xuất vải lên gấp đôi. Hiện nay, các nhà máy của công ty ở quận Thủ Đức và Khu Công nghiệp Sóng thần 2, tỉnh Bình Dương sản xuất 40 triệu mét vải Jean và Kaki mỗi năm.

Trước nhu cầu nguồn nguyên liệu vải trong nước gia tăng như hiện nay, công ty muốn tiếp tục mở rộng sản xuất ở những khu vực này nhưng không được, vì diện tích đất dành cho dệt, nhuộm, vải không còn. Một cái khó nữa là các thương hiệu lớn khi đặt hàng sản xuất cho doanh nghiệp Việt Nam họ thường chọn và chỉ định nguyên liệu vải qua trung gian.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất vải trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận các thương hiệu lớn để bán vải trực tiếp cho họ và cập nhật xu hướng thời trang để sản xuất nguyên liệu vải theo gu của họ.

Ông Trần Minh Thảo, Giám đốc Công ty Kim Long kiến nghị, doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, vốn, tạo điều kiện để mình ứng dụng các công nghệ tiến tiến hơn của dệt, nhuộm vải…Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ xúc tiến để tiếp cận với các thương hiệu, người trực tiếp đặt mua vải, vì bây người mình bán vải cho bên thứ ba, thứ tư.

Khó khăn của nhiều doanh nghiệp sản xuất vải ở TP HCM chính là nguồn nhân lực. Hiện nay, lao động của nước ta giỏi về dệt, nhưng yếu về nhuộm và khâu hoàn thiện sản phẩm. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải thuê chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia này chủ yếu làm phần việc của mình mà rất ít đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho lao động Việt Nam.

Ở nước ta chỉ có 2 trường đại học tại Hà Nội và TP HCM đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất dệt, nhuộm, vải. Trong đó, Trường Đại học Bách Khoa TP HCM mỗi năm chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này chỉ có 100 sinh viên và đầu ra chỉ còn khoảng 70% nên đáp ứng rất ít nhu cầu của các doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này, Trường Đại học Bách khoa TP HCM đã hợp tác với Thương vụ Ý thành lập Trung tâm Công nghệ Dệt Việt-Ý.

PGS.TS Bùi Mai Hương, Trưởng bộ Môn kỹ thuật may Trường Đại học Bách khoa TP HCM cho biết, trung tâm chỉ có các loại máy cỡ nhỏ để thí nghiệm, đào  tạo kéo sợi, nhuộm sợi, nhuộm typ, pha màu… để sinh viên ra trường không bỡ ngỡ với công việc.  “Nhà nước không chỉ đóng vai trò hỗ trợ đào tạo mà nhiều khi cần kết nối giữa các trường, viện, doanh nghiệp và các đợn vị khác để giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành dệt, nhuộm, vải”, PGS.TS Bùi Mai Hương cho biết.

Còn khó về mặt bằng sản xuất do TP HCM không quy hoạch đất dành cho ngành dệt, nhuộm, vải. Còn các khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương …diện tích đất dành cho ngành này đã lấp gần đầy và không thể tăng công suất xử lý nước thải. Bên cạnh đó, hiện nay xu hướng của dệt may Việt Nam là sản xuất sạch, xanh.

Vừa qua, đã có một công ty của Hà Lan tiên phong đầu tư công nghệ dệt, nhuộm khô, không xả thải tại khu công nghiệp Hiệp Phước, đây cũng là tín hiệu vui của ngành sản xuất vải và dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp sản xuất vải của Việt Nam đầu tư, áp dụng công nghệ này không dễ vì cần nguồn vốn rất lớn. Trước khó khăn này, Hiệp Hội dệt may Việt Nam cũng đang kiến nghị Chính phủ quy hoạch xây dựng khu công nghiệp dành cho dệt, nhuộm, vải.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp Hội Dệt may Việt Nam cho biết, đã đề nghị Chính phủ quy hoạch khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh dành cho dệt may ở 3 miền, như thế mới có nguồn vải để chủ động trước các Hiệp định tự do vì không phải nhập khẩu vải nhiều. “Hiện nay, điểm nghẽn của ngành  là sản xuất vải, khâu nhuộm và hoàn tất là điểm nghẽn khó khăn nhất”, bà Mai cho biết.

Ngoài việc tháo gỡ những khó khăn về nguồn nhân lực, mặt bằng sản xuất, công nghệ, vốn … nhà nước cũng cần phải có đầu ra cho ổn định thì mới thúc đẩy ngành này phát triển. Để làm được điều này thì các doanh nghiệp phải liên kết lại với nhau theo chuỗi cung ứng.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM cho rằng, các doanh nghiệp phải liên kết đầu mối lớn để có  thị trường, ví dụ như doanh nghiệp sản xuất vải thì kết hợp với doanh nghiệp may mặc  để tiêu thụ vải. Hội cũng đề nghị Nhà nước giảm thuế thời gian đầu cho các doanh nghiệp sản xuất nhuộm, dệt, vải để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Hiện nay, 2 hiệp định CPTPP, EVFTA được nhiều doanh nghiệp dệt may xem là “bảo bối” để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường và hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội này thì Việt Nam phải giải quyết những điểm nghẽn nêu trên để phát triển tốt chuỗi cung ứng nguyên liệu cho ngành dệt may.

Điều này không chỉ sự nỗ lực của doanh nghiệp dệt may mà  rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của các bộ, ngành chức năng và Chính phủ, nhất là vấn đề quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu dệt may, vấn đề này đã được đề cập từ lâu nhưng chưa giải quyết được./.

Theo VOV

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/