Tranh chấp thương mại đẩy chi phí gia công ngành dệt may Mỹ gia tăng
Giá đơn vị của đồ may mặc nhập khẩu của Mỹ từ Bangladesh, Việt Nam và Ấn Độ 5 tháng đầu năm nay tăng lần lượt 25,6%, 23,4% và 21,2%, theo số liệu từ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ.
Một nghiên cứu mới công bố cho thấy việc Chính phủ Mỹ áp đặt hoặc đe doạ áp đặt các mức thuế lên hàng hóa nhập khẩu đã làm tăng đáng kể chi phí thuê gia công từ Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc của các thương hiệu thời trang Mỹ.
|
Công nhân sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Nghiên cứu Kiểm chuẩn Ngành Thời trang lần thứ 6 mới được công bố dựa trên kết quả cuộc thăm dò 39 thương hiệu thời trang, nhà bán lẻ, nhà nhập khẩu và nhà bán buôn vừa và nhỏ tại Mỹ thực hiện trong giai đoạn tháng 4-5 vừa qua bởi giáo sư Sheng Lu thuộc Khoa Nghiên cứu Thời trang và Đồ may mặc, Đại học Delaware và Hiệp hội Ngành Thời trang Mỹ (USFIA).
Theo Chủ tịch USFIA Julia K. Hughes, không chỉ các chi phí tại Trung Quốc đang tăng mà các chi phí cho việc tìm nguồn cung ứng hàng hóa thay thế chủ yếu cho hàng Trung Quốc, điển hình là hàng Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ, cũng đang "leo thang."
Nghiên cứu cho thấy giá đơn vị của đồ may mặc nhập khẩu của Mỹ tăng 10,7% trong 5 tháng đầu năm nay. Giá đơn vị của đồ may mặc nhập khẩu của Mỹ từ Bangladesh, Việt Nam và Ấn Độ 5 tháng đầu năm nay tăng lần lượt 25,6%, 23,4% và 21,2%, theo số liệu từ Phòng Dệt may và Đồ may mặc thuộc Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ.
Giáo sư Lu cho biết điều này không thực sự gây bất ngờ bởi "ai cũng muốn tìm đến các quốc gia này" trong khi cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động của các quốc gia này bị giới hạn.
Giáo sư Lu nhấn mạnh yếu tố số 1 đẩy tăng các chi phí là các chi phí vận chuyển và logistic tại thời điểm này, hơn là các khoản chi cho lương và nguyên vật liệu thô như các lần trước. Giá đơn vị của đồ may mặc nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khoảng 50% số đáp viên cho biết các nhà cung cấp Trung Quốc của họ đã thực sự hạ giá bán để giữ các đơn đặt hàng trong khi khoảng 3,7 tỷ USD hay 9,3% các sản phẩm dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc hiện là đối tượng Mỹ áp đặt các mức thuế mới.
Nghiên cứu cho thấy thách thức lớn nhất hiện nay đối với ngành thời trang Mỹ là tác động của việc sản lượng và các chi phí tìm nguồn cung ứng gia tăng, 84% các đáp viên cho rằng đây là một thách thức trong năm nay. 64% các đáp viên bày tỏ sự lạc quan hoặc lạc quan phần nào về triển vọng trong 5 năm tới so với con số 84% một năm trước đây.
Trung Quốc hiện là nhà cung ứng các sản phẩm dệt và may mặc thống lĩnh thị trường Mỹ. Bản nghiên cứu cho rằng không một nước hay khu vực nào khác trên thế giới có thể đạt công suất khổng lồ trong ngành dệt và may mặc như Trung Quốc trong một tương lai có thể trông thấy.
Trung Quốc cung cấp 36% tổng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ tính về số lượng và 33% tính về giá trị trong năm 2018. Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai với 13% thị phần tại thị trường Mỹ.
Nguồn: Báo Công Thương