Dự báo 85% lao động ngành may ảnh hưởng bởi công nghiệp 4.0 có chính xác?
85% lao động ngành may bị ảnh hưởng bởi Cách mạng công nghiệp 4.0, nghĩa là khoảng gần 2 triệu lao động có nguy cơ mất việc là dự báo quá mức so với thực tế.
Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Lê Tiến Trường đã khẳng định như vậy tại hội thảo "Công nghiệp 4.0 và chính sách công nghiệp, kinh nghiệm từ Đức và gợi ý chính sách cho Việt Nam", do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Đại học Kinh tế Quốc dân và Viện FES tổ chức sáng 12/7.
Theo ông Trường, Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam. Việc đầu tư công nghệ theo hướng 4.0 đòi hỏi vốn lớn, lãi phải trả cho chi phí đầu tư cao, khấu hao thiết bị cũng cao. Đây là khó khăn hàng đầu đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, vốn chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế thấp.
Một thách thức rất lớn khác đối với ngành thâm dụng lao động như dệt may đó chính là sự biến động dư thừa lao động đối với các sản phẩm đơn giản như sơ mi cơ bản, quần âu cơ bản, áo T-Shirt.
Ông Trường nói rằng, cách đây đúng ba năm, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đưa ra nghiên cứu dự báo máy móc công nghệ của công nghiệp 4.0 có thể thay thế 85% lao động dệt may của Việt Nam, tức là khoảng 1,7-1,8 triệu người trong ngành này có nguy cơ mất việc.
Khi đó nhiều báo đều giật tít mang thông tin này, nếu điều đó xảy ra thì đó là cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội, ông Trường bình luận.
Nhưng, thực tế, theo ông Trường thì chỉ khoảng 15% lao động bị ảnh hưởng chứ không giống dự báo đáng ngại nói trên.
Dẫn báo cáo tương lai việc làm Việt Nam của WB, ông Trường cho biết việc tự động hoá của áo T-Shirt chỉ gồm khoảng 8 công đoạn, trong khi quy trình sản xuất một sản phẩm may phức tạp có đến 78 công đoạn. Chưa kể còn có tác động biến đổi liên tục của thời trang mà không thể tự động hoá bằng máy móc, thiết bị.
Dự báo về tương lai việc làm 2018 của WEF xuất bản năm 2018 cũng dự báo trong giai đoạn 2018-2022, dưới tác động của công nghiệp 4.0 thì thế giới sẽ có 75 triệu việc làm hiện tại mất đi nhưng sẽ có thêm 133 triệu việc làm mới sinh ra. Trong ngành dệt may, các việc làm liên quan đến thiết kế, quản trị chuỗi cung ứng dệt may... là những vị trí việc làm chắc chắn tăng cao so với hiện tại, Tổng giám đốc Vinatex thông tin.
Phân tích tiếp theo từ vị này là với việc tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, năng lực cạnh tranh của dệt may Việt Nam sẽ không ngừng gia tăng, thị phần tăng (điển hình là thị phần hàng dệt may Việt Nam tại Mỹ tăng từ 6% vào 2010 lên 12% vào 2017). Năng lực sản xuất dệt may Việt Nam được mở rộng thì nhu cầu sử dụng lao động cũng sẽ tăng lên dù có cả sự hỗ trợ của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Trường cũng cho biết, phương pháp nghiên cứu được ILO sử dụng để dự báo sự biến động của lao động dệt may dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 là dựa trên phương pháp nghiên cứu của 2 nhà khoa học Frey và Osborne trong tác phẩm "Tương lai việc làm-Việc làm bị ảnh hưởng như thế nào dưới tác động của tin học hóa" tại Mỹ. Nghiên cứu này được xuất bản vào năm 2013 và cũng dự báo khoảng 47% lao động Mỹ sẽ bị mất việc làm do tác động của tin học hóa nhưng thực tế tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chỉ khoảng 4-6% trong cả giai đoạn 2014-2018.
Như vậy, có thể thấy phương pháp dự báo này chỉ có tính chất cảnh báo để các chính phủ chú trọng đến hậu quả nếu không có giải pháp thích hợp, không thể coi đó là tỷ lệ mất việc làm sẽ xảy ra trong thực tế, ông Trường nói.
Khẳng định câu chuyện 85% lao động ngành may mất việc sẽ không xảy ra trong 10 năm tới, song ông Trường cũng nhấn mạnh, trình độ lao động dệt may còn thấp theo yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 nên nếu các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động, chất lượng nhân công và công nghệ lạc hậu như hiện nay thì việc khủng hoảng thừa lao động sẽ trở thành vấn đề đặc biệt nghiêm trọng.
Để ngăn ngừa điều này, cần phải có kế hoạch giải quyết lao động dư thừa, xây dựng chiến lược đào tạo, chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao một cách kịp thời, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này không chỉ làm giảm bớt những nguy cơ biến động lao động mà còn giúp tăng quy mô ngành dệt may cả về năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu.
Như vậy, cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại là rất rõ rệt, thế nhưng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có tận dụng được các cơ hội này hay không phụ thuộc rất nhiều vào hiểu biết cũng như mức độ sẵn sàng đối với Cách mạng công nghiệp 4.0 của từng doanh nghiệp, Tổng giám đốc Vinatex nhận định.
Nguồn:Doanhnghiepvn.vn