Dệt may là ngành xuất khẩu sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi. Mặc dù vậy, ưu đãi chỉ đến khi các nhà xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng được các quy định trong EVFTA, trong đó, quan trọng hàng đầu là quy định về xuất xứ hàng hóa.
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may, Việt Nam đang phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu, trong đó hơn 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan (Trung Quốc).
Trong EVFTA, châu Âu yêu cầu hàng dệt may Việt Nam phải sử dụng vải tự sản xuất, hay còn gọi là quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”. Bên cạnh đó, EU cũng chấp nhận cho phép cộng gộp xuất xứ. Hiện nay, EU đã có FTA với Hàn Quốc, nên Việt Nam có quyền nhập khẩu vải từ Hàn Quốc về để may áo sơ mi, sau đó bán sang EU vẫn được hưởng ưu đãi.
Xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm. Đồ họa: TTXVN
Như vậy có nghĩa là với hơn 80% lượng vải nhập khẩu không phải từ Hàn Quốc sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan khi sản xuất hàng dệt may xuất khẩu vào châu Âu.
Để được hưởng các ưu đãi từ EVFTA, ngành Dệt may Việt Nam trước mắt phải chuyển hướng, từ nhập vải của Trung Quốc sang nhập vải của Hàn Quốc và về lâu dài phải đầu tư nhiều hơn cho khâu dệt, nhuộm để làm chủ nguồn vải trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về EVFTA cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã xuất siêu sợi sang Trung Quốc, chứ không bị phụ thuộc về sợi. Khi đã có sợi rồi, nếu đầu tư vào ngành Dệt nữa thì sẽ sản xuất ra vải, đáp ứng quy tắc xuất xứ khi vào EU.
"Với quy mô thị trường hơn 200 tỷ USD của EU, thì việc Việt Nam được tiếp cận với thuế 0% sẽ tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI sản xuất vải. Vấn đề là các địa phương sẽ dành quỹ đất như thế nào cho các nhà máy dệt, xử lý bài toán môi trường ra sao, khi chấp nhận đầu tư vào dệt", Thứ trưởng đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất của ngành Dệt may trong nước là chưa tháo được nút thắt cho khâu đầu tư dệt - nhuộm - hoàn tất. Chưa có nhiều dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực này.
"Bế tắc trong việc không thể triển khai được các dự án nhuộm hoàn tất vì phần lớn các địa phương từ chối cấp phép đầu tư do e ngại các dự án này gây ô nhiễm môi trường. Ngành Dệt may Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu hầu hết nguồn nguyên liệu từ bông, vải cho đến một số phụ liệu chuyên biệt phục vụ sản xuất trong ngành", bà Mai lo lắng.
Sản xuất sợi tại nhà máy. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.
Liên quan tới vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các địa phương có cơ sở để lo lắng vấn đề này, nhưng nếu cứ e ngại thái quá thì cơ hội sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp FDI, vì họ đang đầu tư và dần làm chủ khâu nguyên phụ liệu và tận dụng cơ hội được hưởng ưu đãi thuế quan tại nhiều thị trường.
Theo TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, sau những vụ việc doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường được phát hiện, tâm lý chung là “chim sợ cành cong”. Vì thế, các địa phương có cơ sở để lo ngại những dự án đầu tư của doanh nghiệp. Cho nên, chính sách hiện nay là quy hoạch các dự án theo địa bàn và phải xử lý, kiểm soát chặt chẽ về môi trường.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh: Những quốc gia quan tâm đến vấn đề môi trường nhất hiện nay như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… cũng là những quốc gia phát triển ngành dệt vải nhất. Hiện nay, nếu áp dụng và tuân thủ chặt chẽ theo những công nghệ hiện đại sẽ vừa sản xuất được vải, vừa đảm bảo môi trường.
Khi Việt Nam làm chủ được khâu nguyên liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ thì hàng hóa dệt may sẽ rộng cửa vào nhiều thị trường mà chúng ta đã ký kết Hiệp định thương mại tự do chứ không riêng gì EVFTA.
Nguồn:Baotintuc.vn