Cotton Day 2019: Triển vọng trong việc nhập khẩu bông Hoa Kỳ

Chiều ngày 12/07/2019, tại TP. HCM, Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI) phối hợp với Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức Ngày hội Cotton Day 2019 nhằm giới thiệu đến chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam những cải tiến mới nổi trội về công nghệ, áp dụng cho các sản phẩm dệt may giàu bông hiện đang có mặt trên thị trường. Sự kiện có sự tham gia đông đảo của các DN dệt may Việt Nam, các nhà cung ứng và các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ. Đây là lần thứ ba sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam.

Cotton Day 2019, với chủ đề “What’s New In CottonTM”,  là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu và kết nối giữa các đối tác, các nhà cung cấp với các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng, nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy và tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng Dệt May Việt Nam trong việc phát triển các sản phẩm, công nghệ và quy trình mới, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu Dệt May – Thời trang Việt Nam phát triển bền vững.

Ông Hank Reichle – Chủ tịch Hiệp hội Bông Hoa Kỳ cho biết: “Hoa Kỳ là quốc gia xuất khẩu bông lớn nhất thế giới trong nhiều năm liền và Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của bông Mỹ với thị phần nhập khẩu luôn đạt trên 50%, với giá trị nhập khẩu đạt trên 1,1 tỷ đô. Sau hơn 10 năm hoạt động trong mảng thương mại ở Việt Nam, 28 nhà máy đối tác đã tin tưởng COTTON USA với tổng lượng bông Mỹ đăng ký đạt hơn 400 nghìn tấn mỗi năm. Và chỉ trong 3 năm xúc tiến hợp tác với các nhãn hàng trong nước, 5 nhãn hàng bao gồm: CANIFA, JOHN HENRY, NINOMAXX, ONOFF, SUNFLY, đã tin tưởng và hợp tác với COTTON USA, với tổng số nhãn treo đăng ký năm 2019 đạt hơn 1,7 triệu”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, năm 2018, ngành Dệt May Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 36 tỷ đô la Mỹ và dự kiến năm 2019 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ đô. Ngành kéo sợi Việt Nam hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu bông nhập khẩu (chiếm 99,9% tổng lượng bông sử dụng). Hiện bông chiếm tổng 60% nguyên liệu đầu vào, trong đó bông Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam chiếm trên 50% tổng lượng bông nhập khẩu. Sản phẩm bông Mỹ được đánh giá là tốt nhất, ít tạp chất nhất, có chất lượng ổn định cung cấp cho ngành kéo sợi tại Việt Nam. Vì vậy, sự hợp tác giữa ngành Dệt May Việt Nam và ngành bông Mỹ được xem là mối quan hệ tương hỗ qua lại, vì lợi ích của cả 2 bên. Đồng thời, ông Vũ Đức Giang cũng đưa ra những kiến nghị với Hiệp hội Bông Hoa Kỳ, các nhà xuất khẩu và sản xuất bông Mỹ cần quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm của mặt hàng bông. Đẩy mạnh xây dựng mối liên kết chuỗi toàn cầu trong lĩnh vực kéo sợi… Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cần sớm có kiến nghị với Chính phủ Hoa Kỳ đẩy nhanh việc thành lập kho ngoại quan của mặt hàng bông vào thị trường Việt Nam để ngành kéo sợi Việt Nam tiếp cận với sản phẩm nhanh hơn, giúp rút ngắn thời gian mua hàng và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tại sự kiện, các diễn giả đến từ Lãnh sự quán Hoa Kỳ, lãnh đạo ngành Dệt May Việt Nam và ngành bông Hoa Kỳ cũng như các chuyên gia đã chia sẻ tình hình ngành dệt may Việt Nam trong thời đại mới; Giới thiệu về Hiệp hội Bông và ngành bông của Hoa Kỳ; Bộ Quy tắc kiểm soát và phát triển bền vững của bông Hoa Kỳ; Tình hình cung cầu bông trên toàn thế giới; Phương thức thương mại mới trong kỷ nguyên số… Đặc biệt, chương trình biểu diễn thời trang giới thiệu bộ sưu tập COTTON USATM mới nhất từ hai nhãn hàng CANIFA và JOHN HENRY

Nguồn:Vinatex.com

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/