Ngành Dệt may nỗ lực tìm thị trường mới
Năm 2019, ngành Dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD (tăng 14-15% so với năm 2018). Nếu nhìn vào con số tăng trưởng, có thể dư luận sẽ hoài nghi, nhưng nếu quan sát sự chủ động ứng phó, tránh những tác động bất lợi thì mới thấy mục tiêu đặt ra là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, ngành Dệt may đã đạt được những kết quả tích cực. So với cùng kỳ năm ngoái, ngành Dệt may đã tăng hơn 12%. Cụ thể, chỉ số sản xuất trang phục tăng 8,8%, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 178,2 triệu mét vuông, tăng 3,9%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 396,6 triệu mét vuông, tăng 19,5%; quần áo mặc thường ước đạt 1.601,3 triệu chiếc, tăng 8,7%. Tính đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 9,43 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
|
Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành Dệt may đã đạt được những kết quả tích cực. |
Đánh giá về điều này, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nối tiếp thành công năm trước, ngành May xuất khẩu đang tăng trưởng tương đối tốt. Lý do là trong danh mục hàng hóa áp thuế của Mỹ với Trung Quốc chưa có hàng may mặc, nên khách hàng vẫn tiếp tục đặt hàng ở Việt Nam và cả Trung Quốc. Hiệu ứng tăng trưởng của ngành May đang tiếp diễn tích cực, khi hiện tại đơn hàng đến với các doanh nghiệp may Việt Nam đang ổn định theo chiều hướng tăng trưởng từ 8% đến 10% so với cùng kỳ năm 2018.
Một điều cần nhấn mạnh, đó là sự chủ động của các doanh nghiệp ngành Dệt may trong tìm kiếm thị trường mới. Chuyến đi khảo sát thị trường, tìm nhà nhập khẩu tại Canada - một thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - của Vinatex và 10 doanh nghiệp lớn (trong tháng 5-2019) cho thấy quyết tâm gia tăng thị phần tại thị trường này của ngành Dệt may Việt Nam. “Những cuộc gặp gỡ nhà nhập khẩu được diễn ra gần như liên tục, rất nhiều nhà nhập khẩu có doanh số lên tới 1 tỷ đô la Canada như Tập đoàn VF, Atlantic sportwear, Giant Tiger… đã tiếp xúc với doanh nghiệp dệt may Việt Nam” - ông Lê Tiến Trường thông tin thêm.
Trước đó, Triển lãm quốc tế ngành Công nghiệp dệt và may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2019 (tháng 4-2019) tại thành phố Hồ Chí Minh cũng là cơ hội để doanh nghiệp dệt may hợp tác, mở rộng thị trường. Với hơn 1.000 nhà cung ứng quốc tế tham dự đến từ 24 quốc gia, triển lãm đã giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin, cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất mới nhất để đầu tư trực tiếp vào nguyên liệu thô và tích cực đáp ứng nhu cầu của người mua trong nước và quốc tế, góp phần phát triển ngành Công nghiệp dệt may Việt Nam.
Ngành Dệt may Việt Nam đã được các đối tác đánh giá cao, không những về chất lượng, mà còn về thời gian thực hiện đơn hàng. Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex cho biết, các doanh nghiệp dệt may vừa và lớn ở Việt Nam ngày càng đáp ứng được các tiêu chí từ đối tác, như SA (trách nhiệm xã hội), Green Label (tiêu chuẩn xanh)…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, không phải ngành Dệt may không có thách thức. Đó là tình hình căng thẳng thương mại gia tăng, ảnh hưởng tới giá dịch vụ, cũng như nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, các nước xuất khẩu mạnh cũng coi Việt Nam là đối thủ cần kiềm chế. Do vậy, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, các doanh nghiệp ngành Dệt may cần đổi mới bằng các giải pháp cụ thể như sở hữu "bộ công cụ cạnh tranh" mới gồm: Tập trung đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, xanh hóa sản xuất, nâng cao năng suất yếu tố tổng hợp thông qua nhiều giải pháp, trong đó có năng suất lao động cá nhân bằng tự động hóa. Cùng với đó là liên kết các doanh nghiệp với nhau qua hệ thống sử dụng chung thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để tạo thế mạnh trong lộ trình cạnh tranh.
Nguồn:Hanoimoi.com