Công nhân dệt may không muốn tăng tuổi nghỉ hưu
Nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động trực tiếp, trong đó có CNLĐ nữ ngành dệt may. Bởi lẽ với đặc thù công việc, họ sẽ không thể duy trì được sức khỏe đến độ tuổi 55-60 để được về hưu như trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra.
Ông Nguyễn Hồng Chiến - Trưởng ban Tuyên giáo, CĐ Dệt May Việt Nam:
Tôi không đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo đối với CN ngành dệt may. Tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với CN ngành dệt may phải kéo dài thời gian công tác. Trong khi đó, đặc thù công việc của ngành là phải dùng chân, tay, mắt rất nhiều, đến tầm 40-45 tuổi, CN mắt đã mờ, chân tay chậm, sức khỏe không đảm bảo để đáp ứng được yêu cầu của công việc. Kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với lao động ngành dệt may là không phù hợp.
Theo tôi, nên giữ nguyên quy định như hiện nay. Đối với lao động trong ngành làm việc tại những khâu nặng nhọc, độc hại sau 15 năm công tác thì vẫn có thể nghỉ hưu sớm, vẫn đảm bảo các chế độ cho họ.
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền - CN may của tỉnh Thái Nguyên:
Tôi thấy lo lắng và không đồng tình trước thông tin tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo vì công việc của CN trực tiếp như tôi rất vất vả, áp lực. Sau nhiều năm làm việc, ở độ tuổi của tôi bây giờ (48 tuổi), mắt đã mờ, chân, tay đã chậm, xương khớp đã yếu. Nếu nghỉ hưu muộn, NLĐ liệu có theo được với yêu cầu của công việc không? Trong khi đó, NLĐ không thể nghỉ việc vì vẫn cần phải thu nhập nuôi bản thân và gia đình. Nếu kéo dài đi làm mãi thì sức khỏe ngày càng giảm sút…
Hơn nữa, khi độ tuổi đã cao, đồng nghĩa năng suất lao động giảm nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì DN có muốn sử dụng nữa không hay tìm cách cho những người như tôi nghỉ việc để tuyển chọn những LĐ trẻ, khỏe hơn, nhanh nhẹn hơn? Nếu CN nghỉ giữa chừng thì ở độ tuổi 55-60, liệu có DN nào tuyển dụng không? Chúng tôi biết làm gì để nuôi mình và gia đình ở độ tuổi đó?
Nguồn:Laodong.vn