Ngành Dệt may Việt Nam: Hướng đến mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD
Ba tháng đầu năm 2019, ngành Dệt may đã có những bước tăng trưởng đáng khích lệ. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD năm 2019, cùng với việc phải vượt qua nhiều thách thức do những tác động của tình hình thế giới, ngành Dệt may cần đặt ra những mục tiêu cụ thể như tăng năng suất, đầu tư cho tự động hóa để giảm nhân công, giá thành sản phẩm và chọn đơn hàng cao cấp…
Ba tháng đầu năm 2019, ngành Dệt may đã có những bước tăng trưởng đáng khích lệ. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD năm 2019, cùng với việc phải vượt qua nhiều thách thức do những tác động của tình hình thế giới, ngành Dệt may cần đặt ra những mục tiêu cụ thể như tăng năng suất, đầu tư cho tự động hóa để giảm nhân công, giá thành sản phẩm và chọn đơn hàng cao cấp…
|
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân. Ảnh: Nhật Nam |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dệt may 3 tháng đầu năm 2019 đã có những bước phát triển khích lệ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 3-2019 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 106,4% so với tháng 2-2019 và tăng 15,9% so với tháng 3-2018. Lũy kế, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này 3 tháng đầu năm 2019 đạt 7,3 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thị trường xuất khẩu nhiều nhất là Mỹ, chiếm 46,6% tổng kim ngạch khi đạt 2,14 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hiện tình hình đơn hàng của ngành rất khả quan. Ông Vũ Huy Đông, Tổng Giám đốc Công ty Dệt sợi Damsan cho biết, hiện nay đơn hàng đến với các doanh nghiệp may Việt Nam đang ổn định theo chiều hướng tăng trưởng từ 8% đến 10% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất tới quý II, quý III-2019. Tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần có các giải pháp chủ động để đối phó với những biến động của tình hình thế giới.
Một điều đáng mừng là trong 3 tháng đầu năm, ngành Dệt may không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Cụ thể là mặt hàng này không có trong danh sách áp thuế của Mỹ, do vậy các đối tác vẫn đặt hàng bình thường tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức không phải không có, vẫn có thể có kịch bản xấu xảy ra là việc mặt hàng này bị Mỹ thực hiện áp thuế đối với Trung Quốc và như vậy sẽ tác động nhiều tới thị trường Việt Nam. Bởi, nếu kịch bản đó xảy ra thì chắc chắn Trung Quốc sẽ tăng thuế nguyên liệu vải xuất khẩu. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các đơn hàng của Việt Nam, trong đó có ngành hàng sợi.
Từ trước tới nay, sợi của Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, nơi được xem là công xưởng sản xuất nguyên liệu vải lớn nhất toàn cầu. Bên cạnh đó, một thách thức nữa đối với ngành Dệt may trong việc cạnh tranh với các nước bên ngoài là giá nhân công cao, khiến các doanh nghiệp vất vả trong giải "bài toán" quản lý, cạnh tranh…
Trong năm 2019, ngành Dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD, kịch bản thấp cũng xuất khẩu hơn 38 tỷ USD. 1/4 chặng đường của năm 2019 đã đi qua, ngành Dệt may đã có những bước khẳng định mình trong nỗ lực thực hiện mục tiêu đó. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, theo ông Lê Tiến Trường, doanh nghiệp ngành May cần phải tập trung vào tăng năng suất; đầu tư dần cho tự động hóa để giảm nhân công; chọn đơn hàng cao cấp có giá gia công cao, dựa vào lợi thế tay nghề công nhân kỹ thuật cao. Cùng với đó là điều kiện sản xuất xanh - sạch, bảo đảm các yếu tố an toàn môi trường, an sinh xã hội sẽ là lợi thế để các đối tác lựa chọn.
Nguồn:Hanoimoi.com.vn