Vốn ngoại dệt may ồ ạt vào Việt Nam
Tại hội nghị chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu lần đầu tiên tổ chức tại TPHCM vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, năm 2019, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp (DN) dệt may ngoại. Vấn đề còn lại là Việt Nam phải cẩn trọng và chọn lọc khi hấp thụ nguồn vốn này, để tránh bị các thị trường xuất khẩu áp đặt biện pháp phòng vệ thương mại.
Cẩn trọng khi hấp thụ vốn ngoại
Phân tích về tiềm năng phát triển ngành dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết hiện ngành dệt may có 7.000 DN, giải quyết việc làm cho 3 triệu người lao động trong cả nước. Mức tăng trưởng của ngành duy trì được đà tăng liên tục từ 12% (năm 2010) lên 16% (năm 2018).
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam cũng đã đạt hơn 36 tỷ USD và dự ước sẽ cán mức 40 tỷ USD vào năm nay. Xét quy mô toàn cầu, Việt Nam có tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng tiêu dùng sản phẩm dệt may bởi là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới.
Nhiều thương hiệu Việt Nam đã khẳng định trên thị trường thế giới như Phong Phú, Việt Tiến, An Phước… Cũng theo nhìn nhận chung của các chuyên gia kinh tế, ngành dệt may nước ta sẽ còn tiến xa hơn trên thị trường toàn cầu bởi hàng loạt lợi thế hiện hữu như nhân công, lao động lành nghề, kỹ thuật tinh xảo, khéo léo. Đặc biệt với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, những rào cản thuế tại các thị trường nhập khẩu sẽ dần được dỡ bỏ với hàng hóa dệt may Việt Nam.
Dệt may cần doanh nghiệp FDI đầu tư vào khâu sợi, dệt nhuộm và vải nguyên liệu. Ảnh: THÀNH TRÍ
Còn tại thị trường nội địa, Việt Nam cũng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may, nhất là DN Trung Quốc. Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết Trung Quốc vốn giữ vị thế là nước sản xuất nguồn nguyên phụ liệu dệt may và giữ kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.
Thế nhưng, từ năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Trung Quốc lại tăng trưởng âm. Tại thị trường Mỹ, châu Âu, kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc lần lượt âm 0,37% và 2,13%. Điều này xuất phát từ những rào cản thương mại mà thị trường xuất khẩu nhiều nước trên thế giới đang áp dụng lên hàng hóa dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam lại tăng trưởng rất mạnh, nhất là 2 thị trường Mỹ và châu Âu, lần lượt tăng 7,57% và 8,97%. Thực tế này sẽ tạo động lực đẩy nhanh tiến trình dịch chuyển đầu tư của DN dệt may Trung Quốc vào thị trường Việt Nam, nhằm tận dụng lợi thế và dư địa thị trường xuất khẩu các FTA mang lại cho Việt Nam. Ước tính Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư dệt may từ Trung Quốc lên đến 7 tỷ USD. Bên cạnh đó là Hàn Quốc với 2,1 tỷ USD, Đài Loan là 1,6 tỷ USD, Nhật Bản là 0,75 tỷ USD…
Thu hút đầu tư: Cần “gạn đục khơi trong”
Thu hút nguồn lực FDI là điều cần thiết nhưng các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, Việt Nam cần tính toán để tận dụng lợi thế trong hấp thụ nguồn đầu tư. Trước hết, cần chọn lọc những DN đầu tư công nghệ cao, những DN nước ngoài đầu tư những phân khúc mà chuỗi cung ứng Việt Nam đang thiếu.
Cũng theo ông Lê Tiến Trường, chuỗi cung ứng Việt Nam còn thiếu khâu sợi, dệt nhuộm và vải nguyên liệu. Tuy nhiên, để có thể tăng hiệu quả đầu tư tại Việt Nam, DN nước ngoài cần có những hợp tác thực sự, tránh tình trạng chỉ hợp tác đơn thuần giữa bên bán và mua mà không có sự chia sẻ, chuyển giao công nghệ sản xuất.
Thậm chí, nhiều DN đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư công đoạn cuối là lắp ráp, đóng gói sản phẩm nhằm tận dụng lợi thế xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết thành phố đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thiện trung tâm thiết kế thời trang.
Cùng với đó, tăng khả năng kết nối với những DN ở các tỉnh thành lân cận, các DN sản xuất nguyên phụ liệu dệt may để hỗ trợ DN dệt may thành phố hoàn thiện chuỗi cung ứng, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu năm 2019; xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành nhằm hỗ trợ tối đa nhu cầu đầu tư và phát triển của DN.
Tuy nhiên, về phía DN dệt may Việt Nam, cần phải mạnh tay từ chối những hợp tác chỉ có tính chất giao dịch thương mại, bởi về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến khả năng phát triển của ngành cũng như thị phần xuất khẩu trên thế giới.
Song song đó, chủ động thiết lập liên minh sản xuất dệt may thực sự, tiến tới nâng cấp, cải thiện hiện trạng sản xuất, phát triển chuỗi liên kết ở nhiều giai đoạn từ khâu thiết kế, phát triển sản phẩm, sản xuất nguyên phụ liệu, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, logistics, phát triển thị trường, thương hiệu và dịch vụ sau bán hàng.
Ông Vũ Đức Giang cho biết thêm, ngoài yếu tố chọn lọc trong đầu tư và liên kết, DN dệt may cần chủ động chuyển đổi theo hướng phát triển xanh, tuần hoàn. Trường hợp DN không vượt qua được rào cản kỹ thuật môi trường, bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường thì cũng đồng nghĩa với việc tự đóng cửa thị trường xuất khẩu của chính mình.
Nguồn: Sggp.org.vn