Nắm quy tắc xuất xứ CPTPP để tối đa lợi ích

Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực ngày 8-3-2019. Để giúp doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng được tối đa lợi ích của CPTPP, báo Nhân Dân điện tử có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Quản lý kinh tế Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) về các nội dung chính của Thông tư này.

Nắm quy tắc xuất xứ CPTPP để tối đa lợi ích

Thạc sĩ Quản lý kinh tế Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)

PV: Trong thời gian vừa qua, Bộ Công thương tổ chức các đợt tập huấn tại nhiều địa phương cho các doanh nghiệp cũng như cán bộ nhà nước nhằm tận dụng lợi ích từ quy tắc xuất xứ hàng hoá trong CPTPP. Xin bà cho biết vai trò của xuất xứ hàng hóa trong các Hiệp định tự do thương mại (FTA) và những nội dung chủ yếu tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT?

Thạc sĩ Trịnh Thị Thu Hiền: Để bảo đảm đúng hàng hóa có xuất xứ mới được hưởng ưu đãi thuế quan mà các nước thành viên Hiệp định dành cho nhau, FTA có chương quy tắc xuất xứ nhằm quy định cách xác định xuất xứ hàng hóa.

Từ một cách nhìn khác, quy tắc xuất xứ chính là công cụ vô hiệu hóa ưu đãi thuế quan FTA nếu hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ và cũng là công cụ phân biệt lợi thế về thuế quan của các nước trong FTA với các nước bên ngoài FTA.

Nhân đây, tôi cũng xin lưu ý rằng khái niệm xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan không trùng với khái niệm “Made in Viet Nam”. Thí dụ: một sản phẩm có gắn nhãn “Made in Viet Nam” chưa chắc đã có Giấy chứng nhận xuất xứ (hay còn gọi là C/O) của Việt Nam và ngược lại, một lô hàng xuất khẩu có C/O chưa chắc gắn mác “Made in Viet Nam”.

Với tinh thần khẩn trương xây dựng văn bản nội luật hóa nhằm thực hiện các cam kết tại Hiệp định CPTPP, ngày 22-1-2019, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP. Thông tư gồm năm Chương, 33 Điều và chín Phụ lục kèm theo.

So với các FTA Việt Nam đã ký kết và tham gia, quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới như: Các công thức tính hàm lượng giá trị khu vực; Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; Quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; Quy tắc mặt hàng dệt may; Danh mục quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR); Trường hợp không áp dụng linh hoạt đối với nguyên liệu không có xuất xứ; …

Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế C/O do tổ chức được Bộ Công thương ủy quyền cấp. Thời gian chuyển tiếp sang cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện từ 5 đến 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Công thương. Cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ thực hiện sau 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực.

Ngoài ra, Thông tư còn ban hành kèm theo mẫu C/O CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại Hiệp định CPTPP.

Do đặc thù cấu trúc danh mục PSR trong CPTPP, Thông tư gồm ba danh mục PSR: (1) danh mục PSR đối với mặt hàng dệt may, (2) danh mục PSR đối với một số loại xe và các bộ phận, phụ kiện và (3) danh mục PSR đối với các mặt hàng còn lại.

PV: Như vậy thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là từ 5 đến 10 năm. Qua các buổi tập huấn vừa qua, doanh nghiệp của Việt Nam có chia sẻ gì về việc chuẩn bị thực hiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sau thời gian chuyển tiếp?

Thạc sĩ Trịnh Thị Thu Hiền: Không chỉ có CPTPP, tại một số FTA Việt Nam đang đàm phán, theo xu hướng thương mại quốc tế, cơ chế chứng nhận xuất xứ bao gồm (1) cơ chế cấp C/O do cơ quan có thẩm quyền phát hành và (2) cơ chế tự chứng nhận xuất xứ do doanh nghiệp tự phát hành.

Hai cơ chế này được ví tựa như việc sau khi sinh con, chúng ta ra UBND xã phường làm giấy khai sinh cho con hoặc ở nhà tự viết giấy khai sinh cho con mình. Với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp được trao quyền tự khai báo và cam kết về xuất xứ hàng hóa thay cho việc đề nghị cấp C/O tại các cơ quan, tổ chức cấp.

Thông qua các buổi tập huấn, một số doanh nghiệp khá tích cực tìm hiểu quy định nhằm triển khai tốt trong thời gian chuyển tiếp và chuẩn bị cho thời điểm được phép tự chứng nhận xuất xứ. Đa số trong số này là các công ty lớn, có hiểu biết về xuất xứ hàng hóa và đã có tỷ lệ sử dụng C/O cao khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường FTA của Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp trao đổi lại với chúng tôi là do cơ chế này rất mới ở Việt Nam nên doanh nghiệp còn tâm lý e ngại, sợ rằng chứng từ do doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ bị hải quan nước nhập khẩu từ chối và không cho hưởng ưu đãi. Các doanh nghiệp cần loại bỏ tâm lý e ngại như vậy để mạnh dạn áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi được cho phép, qua đó tận dụng tốt hơn nữa các lợi ích mà FTA đem lại.

PV: Qua các buổi tập huấn, các doanh nghiệp có nhận thức như thế nào trong việc thực hiện các cam kết của CPTPP?

Thạc sĩ Trịnh Thị Thu Hiền: Với hành lang pháp lý cũng như việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới doanh nghiệp, tới nay nhận thức của doanh nghiệp đã thay đổi rõ rệt.

Trước khi có Thông tư 03/2019/TT-BCT và việc tuyên truyền phổ biến về quy tắc xuất xứ trong CPTPP, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chỉ dự kiến đề nghị cấp C/O ưu đãi theo yêu cầu của đối tác nước ngoài. Một số doanh nghiệp khác không chịu nhiều tác động của CPTPP do đang tận dụng tốt C/O theo FTA đã thực thi khi xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, đồng thời là thành viên các FTA khác của Việt Nam như thị trường ASEAN, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Sau khi có văn bản hướng dẫn cụ thể và việc tuyên truyền có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP để xây dựng kế hoạch kinh doanh và đầu tư sản xuất phù hợp.

Đến nay, doanh nghiệp đã có nhận thức nhất định về việc sử dụng C/O CPTPP khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường thành viên Hiệp định, đặc biệt là thị trường Canada, Mexico và Peru. Đây là ba thị trường mới Việt Nam chưa từng có FTA để hưởng ưu đãi thuế quan.

Việc tập huấn cụ thể mang tính “cầm tay chỉ việc” như hướng dẫn khai báo C/O CPTPP, tra cứu quy định tại Thông tư, cách thức áp dụng Phụ lục Thông tư mang lại hiệu quả sát sườn với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị tốt để nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O CPTPP vào ngày 8-3-2019 - thời điểm Thông tư 03/2019/TT-BCT có hiệu lực.

Toàn cảnh một buổi tập huấn về Tra cứu quy tắc xuất xứ CPTPP tại Hiệp định và Thông tư 03/2019/TT-BCT được Cục Xuất nhập khẩu tổ chức

PV: Khi triển khai Thông tư số 03/2019/TT-BCT, Bộ Công thương có phương thức hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

Thạc sĩ Trịnh Thị Thu Hiền: Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công thương, Cục Xuất nhập khẩu đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, ngay sau khi Hiệp định CPTPP được ký kết, Cục Xuất nhập khẩu thường xuyên phối hợp với các tổ chức được Bộ Công thương ủy quyền cấp C/O tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, đồng thời uốn nắn, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu đi thị trường các nước thành viên CPTPP. Trong quá trình tập huấn, các báo cáo viên cũng hướng dẫn để tổ chức cấp C/O tiếp tục phổ biến lại cho các đối tượng liên quan. Chúng tôi cũng phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng và địa phương để tập huấn quy tắc xuất xứ theo nhóm hàng hoặc theo thế mạnh xuất khẩu của từng địa phương.

Thứ hai, trong thời gian chờ phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực, Cục Xuất nhập khẩu đã tham mưu, xây dựng dự thảo Thông tư quy định quy tắc xuất xứ CPTPP, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức liên quan đối với dự thảo Thông tư, tạo môi trường để doanh nghiệp cũng như tổ chức cấp C/O có quy định cụ thể và minh bạch về quy tắc xuất xứ CPTPP.

Thứ ba, trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP và triển khai Thông tư số 03/2019/TT-BCT, Bộ Công thương sẽ chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu trong trường hợp có yêu cầu xác minh xuất xứ nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mượn xuất xứ Việt Nam để tránh việc giả mạo xuất xứ ảnh hưởng đến (i) uy tín của hàng hóa Việt Nam; (ii) uy tín của doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính và (iii) uy tín của tổ chức cấp C/O Việt Nam. Ngược lại, trong trường hợp hàng hóa đáp ứng xuất xứ, Cục Xuất nhập khẩu hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hải quan nước ngoài xác minh xuất xứ để C/O được chấp nhận, hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan tại các nước đối tác CPTPP nói riêng và các thi trường Việt Nam có FTA nói chung.

Thứ tư, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đặc biệt, là việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị thực thi Thông tư số 03/2019/TT-BCT tại địa chỉ thư điện tử co@moit.gov.vn và số điện thoại hỗ trợ 024.2220.2468. Biện pháp này rất được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh và ghi nhận.

Trước thời điểm Thông tư số 03/2019/TT-BCT có hiệu lực, Cục Xuất nhập khẩu đã có công văn số 187/XNK-XXHH ngày 1-3-2019 đề nghị các tổ chức được ủy quyền cấp C/O CPTPP hướng dẫn và tạo thuận lợi cho Doanh nhân. Trường hợp phát sinh vướng mắc, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các đơn vị khẩn trương thông báo về địa chỉ thư điện tử và số điện thoại nêu trên để trao đổi và được hướng dẫn sớm.

Bộ Công thương sẽ tiếp nhận, xử lý và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị thực thi Thông tư số 03/2019/TT-BCT tại địa chỉ thư điện tử co@moit.gov.vn và số điện thoại hỗ trợ 024.2220.2468

PV: Ngoài những nội dung đã phổ biến trong các buổi tập huấn, theo bà, doanh nghiệp còn cần chú ý gì khác?

Thạc sĩ Trịnh Thị Thu Hiền: Mỗi FTA có bộ quy tắc xuất xứ khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện đúng quy định tương ứng.

Thí dụ, đối với sản phẩm dệt may, (i) tại một số FTA mà Việt Nam tham gia cùng ASEAN, quy tắc xuất xứ là một công đoạn (chỉ cần công đoạn cắt-may thực hiện tại nước thành viên, được phép nhập khẩu vải không có xuất xứ để cắt-may thành quần áo) hoặc (ii) tại FTA với Nhật Bản, quy tắc xuất xứ là hai công đoạn (quy tắc từ vải trở đi: công đoạn dệt vải và công đoạn cắt-may phải thực hiện tại nước thành viên). Tại CPTPP, quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm dệt may là ba công đoạn (quy tắc từ sợi trở đi: công đoạn sản xuất sợi, công đoạn dệt vải và công đoạn cắt-may phải thực hiện tại nước thành viên).

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý mặc dù quy tắc hàng dệt may trong CPTPP chặt hơn tại một số FTA khác nhưng Hiệp định cho phép nhập khẩu từ ngoài CPTPP một số nguyên vật liệu không có sẵn trong khối.

Thông tư số 03/2019/TT-BCT ban hành kèm theo danh mục nguồn cung thiếu hụt, gồm (i) danh mục nguyên liệu dệt may được phép nhập khẩu trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và (ii) danh mục nguyên liệu dệt may được phép nhập khẩu vĩnh viễn bên ngoài khối CPTPP để sử dụng như nguyên liệu có xuất xứ CPTPP.

Về quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa của Việt Nam, doanh nghiệp lưu ý vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 và các quy định khác có liên quan.

Đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư số 03/2019/TT-BCT có hiệu lực (8-3-2019), cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa xuất khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định và theo quy định của Nước thành viên nhập khẩu.

Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA, quy tắc xuất xứ chính là công cụ giúp hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, đây cũng là điểm dễ bị lợi dụng nếu sản phẩm của nước ngoài chỉ gia công đơn giản tại Việt Nam (lắp ghép, đóng gói) nhằm mượn xuất xứ Việt Nam. Việc này sẽ dẫn đến một số tác động tiêu cực khi nước nhập khẩu có thể (i) áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ như tạm dừng ưu đãi thuế quan đối với cả ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam, không phân biệt doanh nghiệp vi phạm hay không, hoặc (ii) áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, v.v...

Do đó, doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để chứng minh được xuất xứ hàng hóa khi có yêu cầu hậu kiểm, đảm bảo hiệu quả công tác xác minh xuất xứ, giúp C/O được hải quan nước nhập khẩu chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan.

Nguồn:nhandan.com.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/