Sợi Thế Kỷ đẩy mạnh sản xuất sợi giá trị gia tăng, thành lập Liên minh dệt may sợi
Nhóm sản phẩm sợi giá trị gia tăng (sợi màu, sợi tái chế,...) dự kiến đóng góp trên 50% trên tổng sản phẩm CTCP Sợi Thế Kỷ (mã: STK) đến 2021. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc tăng thị phần bằng gia tăng sản lượng tiêu thụ, Sợi Thế Kỷ sẽ cùng một số đối tác dự kiến thành lập dự án Liên minh dệt, may, sợi cho quá trình sản xuất khép kín, tối ưu chi phí.
Sợi tái chế (Recycle) là trọng điểm của Sợi Thế Kỷ bởi theo xu thế của thị trường, từ khi Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào các Hiệp định thương mại tự do. Tôi cũng đã làm việc với các đối tác Mexico - họ muốn mua rồi xuất khẩu sang Canada. Nhờ có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương nên họ chỉ có 2 lựa chọn, mua từ Việt Nam hoặc Malaysia để xuất đi Canada. Ở Việt Nam thì chỉ có 2 đơn vị có đủ khả năng cung ứng hàng đạt tiêu chuẩn cao là Sợi Thế Kỷ và Formosa”, ông Đặng Triệu Hoà, Chủ tịch HĐQT Sợi Thế Kỷ nói và dự tính, doanh thu của sợi tái chế quý I/2019 có thể đạt 120 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 64 tỷ đồng.
Ngoài ra, bình quân giá bán sợi tái chế năm nay sẽ không thay đổi, ở mức 2.75 USD/kg, và sợi thường khoảng 1.92 USD/kg. Ông Triệu Hoà cho biết, nhóm sản phẩm này có lợi nhuận gộp cao hơn với sản phẩm thường, trong khi giá nguyên liệu đã được Sợi Thế Kỷ đặt hàng đủ cho sản lượng sản xuất cả năm.
Do đó, dù giá nguyên liệu 2019 có xu hướng thấp hơn 2018 bởi ảnh hưởng từ giá dầu, tuy nhiên, phải mất từ 4-5 tháng sau mới tác động đến giá nguyên liệu đầu vào.
“Giá nguyên liệu tăng hay giảm thì Sợi Thế Kỷ sẽ điều chỉnh tăng giảm phù hợp. Lợi nhuận của sợi tái chế đã cao rồi nên không nhất thiết chúng tôi phải lời thêm vài phần trăm, mà sẽ giữ giá không quá cao để bán được số lượng lớn, tăng thị phần”, Chủ tịch Sợi Thế Kỷ nói và tiết lộ, Công ty đang sản xuất sợi cao cấp chuyên dụng dành cho người già theo đặt hàng riêng của đối tác Nhật Bản. Sản phẩm này đã được đăng ký bản quyền và bán với giá 14.5 USD/kg, trong khi sợi thường chỉ từ 1-2 USD/kg, hay sợi tái chế cao cấp khoảng hơn 2 USD/kg. Số lượng đơn hàng cố định này từ 500-1000 tấn/năm, và bắt đầu xuất khẩu từ tháng 5/2019.
Ngoài ra, ông Đặng Triệu Hoà còn tiết lộ về một dự án đang được bàn thảo với một số đối tác, nhằm thành lập Liên minh, ở đó có đầy đủ doanh nghiệp dệt, may, nhà máy sợi. Được biết, dự án mới giữ 2 vai trò quan trọng với Sợi Thế Kỷ gồm tối ưu chi phí sản xuất và cung cấp toàn bộ nguyên liệu cho Công ty chủ động sản xuất.
“Chúng tôi tự hỏi phải đặt mình vào làn sóng các Hiệp định thương mại tự do như thế nào? Đó là từng bước đẩy mạnh sản xuất bằng các máy móc hiện hữu vào sợi giá trị gia tăng cao, đến sợi màu và sợi tính năng đặc biệt. Trong 3-5 năm tới, hơn 50% năng suất của Sợi Thế Kỷ sẽ là sản xuất sợi đặc biệt. Nhưng nếu đẩy qua hết sợi đặc biệt thì khách hàng sợi thông thường đã trở thành đối tác nhiều năm không lẽ bỏ uổng, do đó chúng tôi sẽ mở rộng không đơn thuần về cơ học”, ông Đặng Triệu Hoà chia sẻ.
Nhà máy Trảng Bàng 2 của Sợi Thế Kỷ đi vào hoạt động từ 2011 và dự kiến sẽ hoàn tất khấu hao xong trong 2 năm tới. Trước ý định xây dựng dự án mới với quy mô sản lượng gấp 3 lần hiện tại, ông Đặng Triệu Hoà cũng cân nhắc điều này, cùng dự tính, liệu lợi thế cạnh tranh cốt lõi nào của Sợi Thế Kỷ có thể kéo dài khoảng 10 năm để hoàn thành kỳ vọng khấu hao.
“Lợi thế đó không phụ thuộc nhiều vào thị trường khi hôm nay hay ngày mai mua nguyên liệu với giá thấp hơn, mà là khả năng nội tại doanh nghiệp, liệu có công nghệ ưu việt hơn đối thủ để tối ưu chi phí hư thế nào, và cung ứng sản phẩm chất lượng hơn ra sao”, ông Hoà khẳng định.
Trước sự xuất hiện của một số đối thủ khi đầu tư vào Việt Nam, ông Đặng Triệu Hoà tự tin khả năng cạnh tranh của Sợi Thế Kỷ.
Far Eastern (vốn 100% Đài Loan-Trung Quốc) đang xúc tiến dự án sản xuất vải, hóa sợi vốn 500 triệu USD đầu tư vào Khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Ông Hoà cho biết công ty này vừa là nhà cung ứng, vừa là đối thủ cạnh tranh với Sợi Thế Kỷ tại các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, việc hợp tác cung ứng nguyên liệu 2 bên vẫn sẽ được duy trì bởi “nếu sản phẩm của Sợi Thế Kỷ đạt chất lượng mà giá thành thấp hơn nhiều đơn vị khác thì không lo đối tác bỏ mình đi”.
“Nói nghe hơi chủ quan nhưng thực tế với khách hàng mục tiêu của cả 2 đơn vị thì Far Eastern phải đợi Sợi Thế Kỷ bán xong mới bán được, vì cạnh tranh không thể nói ai lớn hơn mà nhìn vào chất lượng sản phẩm. Theo 1 số nguồn tin tôi thấy họ đang không ngừng trì hoãn tiến độ thực hiện dự án mà tôi không rõ lý do vì sao, ban đầu cuối năm 2019 mà nay đổi thành 2021. Trước sau họ vẫn sẽ làm nhưng tôi hoàn toàn không lo lắng”, Chủ tịch Sợi Thế Kỷ nói.
Năm 2019, Sợi Thế Kỷ đặt kế hoạch doanh thu thuần tăng trưởng 8%, đạt 2,603 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 11%, đạt 199.5 tỷ đồng.
Và đến năm 2020, doanh thu thuần của Công ty sẽ đặt mức 2,912 tỷ đồng, lãi sau thuế 223 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ, kết quả dự phóng trên đang dựa toàn bộ vào sơi tái chế, chưa tính tới các loại sợi chập, sợi màu, tăng công suất do Liên minh nói trên.
Nguồn:baodautu.vn