Với những tín hiệu tích cực về đơn hàng ngay từ đầu năm, hoạt động XK của ngành dệt may trong năm 2019 được dự báo khá khả quan.
|
Sản xuất hàng dệt may XK tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3. Ảnh: Nguyễn Huế. |
Tăng trưởng XK cao
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, kim ngạch XK mặt hàng dệt may đạt 3,294 tỷ USD, tăng tới 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tăng trưởng rất cao so với mức bình quân của nhiều năm gần đây (chỉ ở mức trên dưới 10%). Tăng trưởng kim ngạch XK dệt may tháng 1 cũng cao gấp gần 4 lần so với bình quân tăng trưởng XK cả nước trong tháng này (tăng trưởng XK cả nước tháng 1 đạt 8,9%).
Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho biết, tình hình đơn hàng của ngành dệt may trong năm 2019 cũng rất khả quan. Ngay từ cuối năm 2018, nhiều DN đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019. Theo nhận định của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngành dệt may đã có một năm 2018 thành công với kim ngạch XK đạt trên 38 tỷ USD, tăng trên 16%. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong đó giá trị thặng dư đạt gần 18 tỷ USD, tăng gần 14,4% so với năm 2017. Tiếp nối đà phát triển của năm 2018, năm 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu hướng tới kim ngạch XK đạt 40 tỷ USD, tăng trưởng gần 11%, thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.
Cùng với các tín hiệu tích cực từ đơn hàng, nhiều chuyên gia và DN cũng cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang hấp dẫn với khách hàng nhờ khả năng cạnh tranh cao về chất lượng, giá cả, dịch vụ so với một số cường quốc về dệt may trong khu vực. Bên cạnh đó chuỗi cung ứng đang dần hoàn chỉnh do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên. Đặc biệt, các Hiệp định với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, nhất là CPTPP đang tạo ra sức hút rất lớn về đơn hàng cho ngành dệt may Việt Nam. Đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2019.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM cho biết, tình hình đơn hàng của các DN tại TPHCM trong quý I và quý II/2019 tương đối ổn định không có biến động lớn. Tuy đơn hàng không tăng nhiều và không có thêm nhiều khách hàng mới nhưng lượng đơn hàng của các DN cũng đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của DN và việc làm cho người lao động. Từ tình hình đơn hàng, ông Hồng cho rằng, triển vọng của ngành dệt may trong năm nay khá khả quan.
Còn khó khăn
Mặc dù thuận lợi nhưng theo nhận định của ông Phạm Xuân Hồng, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khá lớn với các nước trong khu vực về giá nhân công khi chi phí về nhân công tiếp tục có xu hướng tăng cùng với việc điều chỉnh lương tối thiểu và các chế độ đi kèm cho người lao động. Cùng với đó các chi phí đầu vào khác cũng tăng theo trong khi giá đơn hàng không tăng. Mặc dù các DN trong ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc tiết giảm chi phí thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đầu tư về thiết bị để nâng cao năng suất nhưng vẫn rất khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Cùng quan điểm như trên, ông Phan Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng cho rằng, đơn hàng của nhiều DN dệt may đang có xu hướng giảm vì không cạnh tranh với các nước trong khu vực về chi phí sản xuất. Hiện nay, chi phí sản xuất của các ngành dệt may Việt Nam so với các nước như Campuchia, Banglades, Indonesia, Malaysia đang cao hơn các nước khoảng 30%. Do vậy, các đơn hàng dễ làm đang có xu hướng chuyển sang các nước khác thay vì vào Việt Nam.
Ngoài nguyên nhân nêu trên, theo ông Việt, nhiều DN dệt may tại TP HCM đã có dấu hiệu sụt giảm đơn hàng trong các tháng đầu năm 2018, và dự kiến tình hình này sẽ còn tiếp diễn đến giữa năm. Nguyên nhân là do thị trường thời trang bán lẻ của thế giới đang đi xuống, chi phí mặt bằng không ổn định cùng với kinh doanh online phát triển đã ảnh hưởng không nhỏ đến các DN. “Về phía Việt Thắng Jean, tuy đơn hàng có giảm nhưng vẫn còn cân đối được do DN đã mạnh dạn áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất từ vài năm trước để tạo ra những sản phẩm độc quyền nên vẫn giữ được các khách hàng truyền thống”, ông Việt cho biết.
Áp dụng công nghệ, đầu tư thiết bị để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí sản xuất cũng là một giải pháp được Hội Dệt may Thêu đan khuyến cáo các DN trong tình hình hiện nay. Theo ông Phạm Xuân Hồng, DN dệt may Việt Nam có ưu điểm về năng lực quản lý, tay nghề công nhân, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, nhưng điểm yếu là chi phí lao động kém cạnh tranh. Để khắc phục điểm yếu này các DN phải liên kết để chia sẻ đơn hàng, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó các DN cần cố gắng học hỏi cải tiến quản lý sản xuất nâng cao năng suất, giảm chi phí. Đặc biệt các DN cần tập trung khai thác các FTA, trong đó có vấn đề về xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ để tận dụng tối đa lợi ích của các FTA vào hoạt động XK...
Nguồn:baohaiquan.vn