Ngành dệt may gặp khó với quy tắc xuất xứ

Dệt may là một trong những ngành được đánh giá là sẽ có nhiều cơ hội lớn khi Hiệp định Thương mại Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi.

Theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), CPTPP đem lại hàng loạt cơ hội cho dệt may khi thị trường được mở rộng sang các quốc gia như Mexico, Peru hay Canada. Ngoài ra, những tác động khác nhau thúc đẩy cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn cũng sẽ có những tác động tích cực lên ngành dệt may.

Tuy nhiên, những quy định về quy tắc xuất xứ đang là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp (DN) ngành may khi Việt Nam tham gia CPTPP. Quy định xuất xứ từ sợi của CPTTP chính là điểm nghẽn lớn nhất của ngành may mặc khi các DN ngày này vẫn đang phải nhập phần lớn nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất, xuất khẩu – trong đó chúng ta nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn xơ sợi, 80% vải... Riêng đối với lĩnh vực may, dù Việt Nam có thế mạnh nhưng chủ yếu vẫn là hình thức gia công với 76% lao động trong ngành dệt may là lao động phổ thông.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), những hoạt động gia công, chế biến đơn sơ hầu như không tạo ra giá trị gia tăng thật sự đáng kể đối với nền kinh tế. Chính bởi vậy, cơ hội tham gia sâu rộng của ngành dệt may Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu gần như không có. Nhiều DN ngành dệt may cũng cho biết, cơ hội đối với họ khi CPTPP được thực thi là rất lớn, song bên cạnh đó, những thách thức cũng không hề nhỏ.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco) cho hay, Việt Nam tham gia CPTPP có nhiều lợi thế song đối với các DN trong ngành may thì vẫn còn những điểm nghẽn.

Cụ thể, theo ông Dương, Việt Nam đã có một số đối tác song phương như Nhật Bản, thì vấn đề giảm thuế đã được áp dụng từ lâu nhờ các hiệp định FTA trước đó. Đối với những thành viên còn lại của CPTPP, một số nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sợi trong nước và vẫn phải nhập khẩu 40 - 45% số lượng sợi từ các nước ngoài CPTPP. Như vậy, Việt Nam sẽ vẫn gặp nhiều rào cản trong việc nhập khẩu bông, xơ, sợi từ các nước nội khối để hưởng ưu đãi của CPTPP. Giai đoạn này, ngành dệt may Việt vẫn thiếu những điều kiện nhất định để phát triển hoàn thiện. Vì Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, nhưng không trồng nhiều bông. Diện tích trồng bông quá khiêm tốn, trong khi đây là một trong những nguyên liệu chính cung cấp cho ngành dệt may.

CPTPP dù được ví như “mỏ vàng” đối với ngành may, song với những dữ kiện nói trên, rõ ràng thách thức đối với các DN ngành may mặc là không hề nhỏ. Với những thách thức trước mắt, các DN dệt may phải hiểu về CPTTP, nắm kỹ thông tin về ngành dệt may, từ đó nhận ra thế mạnh, lợi thế của mình trong CPTTP để đánh đúng thị trường. Giới chuyên gia nhận định, thực tế, các nước chưa ký các FTA với Việt Nam trong khối CPTPP rất ít. Do đó, trước mắt sự tác động về thuế, mở rộng đa dạng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu khi CPTPP có hiệu lực vẫn chưa nhiều. Nhưng về lâu dài cơ hội phát triển của DN dệt may Việt rất lớn.    

Nguồn:Daidoanket.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/