“Có tiếng không có miếng”
Cơ sở để ngành dệt may tự tin đặt ra mục tiêu như trên là nhờ vào năm 2018, ngành này đã đánh dấu mốc son khi kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, tăng trưởng hơn 16% so với năm 2017, vượt lên nằm trong tốp 3 nước xuất khẩu cao nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, nhìn lại xu hướng chuyển dịch và cạnh tranh quốc tế hiện nay, ngành dệt may Việt Nam gần như “có tiếng nhưng không có miếng”.
Cụ thể, hiện nay ngành dệt may đang phát triển mất cân đối, yếu kém nhất là khâu kéo sợi, dệt vải và nhuộm hoàn tất. Nhu cầu sợi trên 1,4 triệu tấn/năm, nhưng 90% là nhập khẩu, trong đó khoảng 876 tấn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Nguồn vải may xuất khẩu cũng chủ yếu nhập khẩu, chiếm tới 80%, trong đó Trung Quốc chiếm đến 50% tổng giá trị. Điều này tạo ra tình trạng “tắc nghẽn” tại khâu dệt nhuộm, khiến tỷ lệ giá trị tăng thêm của may xuất khẩu chỉ đạt khoảng 50%.
Trong khi đó, các DN FDI lại chiếm ưu thế vượt trội, đến 62% tỷ trọng xuất khẩu của ngành. Chính đầu tư FDI đang làm thay đổi cơ cấu, diện mạo ngành dệt may Việt Nam, nếu ngành dệt may Việt không sớm chuyển hướng, sẽ dễ dàng thua ngay trên sân nhà.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, ngành dệt may đã nhận thức rõ xu hướng muốn phát triển bền vững thì tiên quyết phải thoát cảnh thuần túy gia công - CMT sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng). Qua đó, một số DN trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đạt tốt cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Tuy vậy, con số này rất khiêm tốn, chỉ những công ty có nguồn vốn, quy mô lớn, còn trên 80% DN vừa và nhỏ vẫn thuần gia công.
Nguyên nhân được dẫn ra là ngành vẫn còn một số yếu kém, bất cập như nguồn nguyên phụ liệu hầu hết phụ thuộc vào nước ngoài, phương thức gia công xuất khẩu là chủ yếu (chiếm 65%), hàng FOB 25%, ODM và OBM chỉ 10%. “Bên cạnh đó, trình độ công nghệ chỉ ở mức trung bình. Trình độ lao động dệt may thấp, lao động phổ thông chiếm đến 76%; sơ cấp, trung cấp chuyên nghiệp chiếm 17,3%; cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 6,8%”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, dẫn chứng.
Khơi thông điểm nghẽn
Điểm hạn chế cốt lõi nữa khiến ngành dệt may chưa thể một sớm một chiều thoát cảnh gia công là vấn đề tài chính. “Chúng tôi biết làm hàng FOB lợi nhuận cao và bền vững, nhưng vấn đề là vốn. Với quy mô hơn 400 công nhân, hiện công ty chúng tôi làm hàng gia công lên đến trên 500 tỷ đồng/năm, với khối lượng hàng xuất đi EU, Mỹ, Nhật… rất lớn. Tuy nhiên, nếu công ty chuyển sang hình thức FOB thì phải cần một lượng vốn rất lớn để mua nguyên liệu và trả tiền trước cho công nhân, tiền thuê mặt bằng, cho nên với năng lực hạn hẹp hiện có thì dù muốn cũng không thể làm được”, giám đốc một công ty may mặc tại quận Bình Tân trần tình.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ làm hàng xuất khẩu như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ… Bởi các nước này đang nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ của họ khi giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế nhập khẩu, miễn thuế nguyên liệu và năng lượng cho hàng dệt may xuất khẩu.
|
Từ chỗ ngành dệt may chưa thể thoát cảnh gia công, kéo theo lĩnh vực sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt may trong nước vốn đã non yếu cũng rơi vào cảnh khó khăn, khi không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu hoặc chen chân vào cung cấp cho các doanh nghiệp FDI.
“2018 là một năm đầy thách thức với công ty của chúng tôi do ảnh hưởng của các sản phẩm nút áo được sản xuất với giá thành rẻ, kém chất lượng được nhập khẩu từ Trung Quốc... Ngoài ra, các công ty may trong nước cũng như của nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu thuần may gia công nên hầu như toàn bộ vải vóc, nguyên phụ liệu đều được chủ hàng cung cấp đầy đủ. Việc chỉ định nhà cung cấp phụ liệu của các chủ hàng khiến những công ty như chúng tôi khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng”, Giám đốc Công ty Daiho B&B G.A Phạm Quốc Bắc cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Bắc, với xu hướng gần đây, đặc biệt từ năm nay các khách hàng lớn sẽ đặt hàng tại Việt Nam theo hình thức FOB, nên việc thu mua nguyên phụ liệu may đều do các công ty nhận may trong nước chủ động thực hiện. Đây là một tin rất vui cho các công ty cung cấp phụ liệu trong nước.
“Năm 2019, dự báo các khách hàng ở nước ngoài đặt may gia công chỉ mua các nguyên phụ liệu chính, các phụ liệu còn lại họ cho phép các công ty may gia công tại Việt Nam được quyền lựa chọn cũng như thu mua tại thị trường nội địa. Đây cũng là một thông tin rất vui cho các công ty sản xuất nguyên phụ liệu như nút áo của công ty chúng tôi”, ông Phạm Quốc Bắc nói.
Như vậy có thể thấy, xu hướng đặt hàng may mặc của các nước đang có những bước chuyển mới, từ thuần gia công sang một phần tự chủ nguyên liệu hoặc hình thức FOB như nêu trên cho các công ty may mặc tại Việt Nam. Đây được xem là cơ hội và cũng là thách thức cho ngành dệt may trong nước “rẽ sóng” thoát cảnh thuần gia công. Vấn đề còn lại là DN dệt may trong nước cần có những bước chuyển đổi kịp thời, đưa ra các giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường. Bên cạnh đó, DN may cần làm việc chặt chẽ với khách hàng cũng như DN nguyên phụ liệu trong nước, liên kết chuỗi để cùng tận dụng cơ hội cũng như vượt qua khó khăn thách thức mà biến động thị trường có thể xảy ra.
Nguồn:Sggp.org.vn