Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Sông Hồng chia sẻ về những cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang thay đổi hệ thống thương mại toàn cầu và hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực.
Tại sao ông lại cho rằng đây là "thời điểm vàng" của dệt may Việt Nam?
Ngành dệt may thế giới tuân theo quy luật nước chảy chỗ trũng, nghĩa là cứ nơi nào chi phí rẻ hơn thì các doanh nghiệp lớn sẽ dịch chuyển tới. Dòng dịch chuyển này bắt đầu từ Mỹ, Tây Âu đã chuyển dần sang Nam Mỹ, Đông Âu, Thổ Nhĩ Kỳ…
Nhưng khi chi phí của các khu vực này tăng lên thì dệt may đồng loạt chuyển về các nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, trong đó Trung Quốc là công xưởng của thế giới với chi phí nhân công rất rẻ.
Tuy vậy, thời đại Trung Quốc giá rẻ không kéo dài mãi và dệt may vẫn cứ theo đà ấy dịch chuyển về một số nước Châu Á khác như Việt Nam, Bangladesh, Indonesia… Trong những năm gần đây, chi phí nhân công ở Trung Quốc ngày càng tăng khiến sự dịch chuyển dệt may ra khỏi Trung Quốc diễn ra dồn dập hơn.
Cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây càng khiến các tập đoàn dệt may lớn quan ngại về tính hiệu quả của các nhà máy đặt tại Trung Quốc. Việc hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực cũng được dự báo sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 4%, trong đó dệt may là một trong những mũi nhọn. Bối cảnh như vậy tạo ra cơ hội vàng cho dệt may Việt Nam, cũng là cơ hội vàng cho May Sông Hồng phát triển trở thành nhà cung cấp sản phẩm dệt may thời trang lớn và có uy tín trong chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu. Đó là tầm nhìn của công ty.
Tuy vậy, còn rất nhiều quốc gia Châu Á khác cũng có nhân công rẻ, đâu chỉ Việt Nam, trong khi lương công nhân ở Việt Nam cũng đang tăng lên, ông lý giải thế nào về thực tế này?
Tuy chi phí nhân công của nước ta cũng tăng nhưng lương tối thiểu ở các quốc gia đang cạnh tranh trực tiếp cũng tăng cao. Ví dụ, lương tối thiểu ở Campuchia giờ đã là 150 USD, ở Myanmar đã là 95 USD.
Các tập đoàn dệt may lớn khó mà tìm nơi nào giá rẻ hơn nữa để chuyển dịch sản xuất, trừ Châu Phi, nhưng khu vực này nhân công chất lượng không cao và chính trị rất mất ổn định. Việt Nam không chỉ có giá nhân công hợp lý mà còn có ba lợi thế hết sức quan trọng.
Thứ nhất, rủi ro chính trị của Việt Nam rất thấp và an ninh rất ổn định. Thứ hai, công nhân may Việt Nam có tay nghề tốt, chăm chỉ, cần cù. Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhanh phương pháp quản trị tiên tiến của ngành dệt may thế giới.
Với các yếu tố như tôi nói, Việt Nam rõ ràng là rất có lợi thế để trở thành điểm đến mới của dòng dịch chuyển dệt may thế giới, trở thành quốc gia phát triển dệt may lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Sông Hồng cảm nhận rất rõ điều này khi lượng khách hàng đến với công ty ngày một dồi dào.
Ngành dệt may Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn cả trong nước lẫn tập đoàn nước ngoài, "cơ hội vàng" mà ông nói chia đều cho tất cả, đúng không thưa ông?
Cơ hội thì dành cho tất cả các doanh nghiệp dệt may nhưng doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị tốt hơn sẽ tận dụng tốt hơn và giành được nhiều phần hơn trong chiếc bánh cơ hội đang mở ra đối với ngành dệt may Việt Nam.
Giờ đây, khách hàng đến rất nhiều nhưng muốn giữ chân họ ở lại thì phải có một số lợi thế cạnh tranh đặc biệt. Thứ nhất là năng lực phải mạnh, tài chính phải mạnh, công ty phải lớn để có đủ khả năng đáp ứng những đơn hàng lớn của khách hàng.
Thứ hai, trình độ quản trị hệ thống sản xuất phải tiên tiến, hiện đại để không chỉ đảm bảo chất lượng và thời gian giao hàng, mà quan trọng không kém là tăng hiệu quả và năng suất lao động về lâu dài. Hệ thống quản trị dệt may bao gồm cả phần mềm và phần cứng.
Sông Hồng đặc biệt ý thức đầu tư vào cả hai phần này, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.
Sông Hồng đã là công ty có tiềm lực hàng đầu trong ngành dệt may, nhưng cụ thể với trình độ quản trị thì Sông Hồng có lợi thế gì, thưa ông?
Sông Hồng không đi từ số không. Di sản lớn nhất của công ty chính là 30 năm kinh nghiệm quản trị sản xuất dệt may. Công ty luôn tự hào về nền tảng sản xuất mạnh với 18 xưởng may và 11.000 lao động có kinh nghiệm và tay nghề cao.
Trình độ quản trị một hệ thống sản xuất mạnh như vậy lớn lên cùng thời gian chứ không một sớm một chiều, lớn lên cùng với hàng chục năm phục vụ nhiều đơn hàng cho các thương hiệu nước ngoài lớn. Phục vụ những ông lớn nên Sông Hồng cũng lớn lên cùng với họ.
Hai hướng Sông Hồng sẽ đi trong tương lai là số hóa và tự động hóa mạnh hơn nữa. Công ty đang xây dựng một cơ sở dữ liệu chung làm đầu não xử lý mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mục tiêu của chúng tôi là sau hai năm nữa sẽ số hóa toàn bộ, thậm chí mọi chứng từ nội bộ cũng sẽ chuyển sang số hóa chứ không in ra ký tay nữa. Chúng tôi cũng đang nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở rộng điều kiện không gian cho việc tăng cường các thiết bị tự động hoá.
Quan trọng không kém là hai hướng đi này sẽ làm hệ thống quản trị trở nên minh bạch và xuyên suốt, tạo niềm tin vững chắc cho các đối tác và nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Thưa ông, Công ty Cổ phần May Sông Hồng vừa chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán, tại sao lại vào thời điểm này, thưa ông?
2018 là năm Sông Hồng tròn 30 tuổi. Đây là năm đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của công ty.
Từ một doanh nghiệp địa phương nhỏ bé, hiện Sông Hồng đã trở thành một trong những doanh nghiệp thuộc top 10 của ngành dệt may Việt Nam, ngang hàng với các Tập đoàn nước ngoài lớn đang đầu tư vào lĩnh vực này trên đất nước chúng ta. Uy tín của thương hiệu Sông Hồng lớn, nên bất kỳ khách hàng nào tìm đến thị trường Việt Nam đều không thể bỏ qua Sông Hồng.
Với năng lực đã trưởng thành vượt bậc của Sông Hồng đúng vào "thời điểm vàng" của dệt may Việt Nam, có thể khẳng định, đây là lúc hợp lý nhất để Sông Hồng thay đổi một lần nữa về chất, sau khi chính thức niêm yết trên sàn HOSE. 2019 dự kiến cũng sẽ là một năm đầy hứng khởi của công ty với việc khai trương những nhà máy mới quy mô và hiện đại hơn nữa. Công ty đang thực sự phát triển cùng với sự phát triển rực rỡ của ngành dệt may Việt Nam.
Nguồn:vneconomy.vn