Đâu là điểm ‘nghẽn’ lớn nhất của ngành dệt may trong đáp ứng yêu cầu CPTPP?
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, trong tất cả những vướng mắc của ngành dệt may, việc sản xuất vải là điểm “nghẽn” đối với doanh nghiệp, cần đưa ra mọi cách giải quyết.
Điểm nghẽn cần tháo gỡ của doanh nghiệp dệt may
Trước câu hỏi của bà Phạm Ngọc Thủy, PGĐ thường trực Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân: “Trong tất cả những vướng mắc của ngành dệt may, đâu là điểm nghẽn lớn nhất của ngành trong việc đáp ứng yêu cầu của hiệp định CPTPP. Chính phủ và hiệp hội cần làm gì để tháo gỡ"?, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch HH Dệt may Việt Nam cho hay, việc sản xuất vải chính là điểm nghẽn lớn nhất.
Phó chủ tịch HH Dệt may Việt Nam cho biết, từ năm 2015 – 2017, nhập khẩu nguyên vật liệu bông vải sợi từ thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam đã phần nào giảm đi. Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn sơ xợi, 80% vải... Về may, Việt Nam có thế mạnh nhưng chủ yếu vẫn là hình thức gia công. Về trình độ lao động, 76% lao động trong ngành dệt may là lao động phổ thông.
Sản xuất vải là điểm nghẽn trong ngành dệt may. Ảnh minh họa
Theo ông Cẩm, để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội đã đề xuất lên Chính phủ việc xây dựng những cụm công nghệ tập trung có công nghệ xử lý nước thải. Giải pháp thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực ví dụ như thiết bị dạy học, học phí và học bổng để thu hút học sinh sinh viên vào ngành dệt may.
Những thuận lợi, khó khăn khi tham gia CPTPP
Phó Chủ tịch HH Dệt may Việt Nam đánh giá nước ta có những lợi thế nhất định như lực lượng lao động dồi dào, vẫn trong giai đoạn dân số vàng dù hiện tượng già hóa dân số đang xảy ra rất nhanh. Ngành dệt may Việt Nam tính đến nay đã thu hút khoảng 17,5 tỷ USD đầu tư.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch HH Dệt may Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vnxpress.net
"Cơ hội cho ngành dệt may trong CPTPP là mở rộng thị trường sang Mexico, Peru và Canada. Ngoài ra, những tác động khác nhau thúc đẩy cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn... cũng có ảnh hưởng tích cực lên ngành dệt may", ông Cẩm nhận định.
Ngành dệt may thu hút 17,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nhất là khi các hiệp định thương mại tư do đưa vào đàm phán và chuyển bị kết thúc, làn sóng đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh. Trong giai đoạn 2013-2018, nguồn vốn đầu từ vào ngành dệt may chiếm 9,2 tỷ USD. Đây sẽ là lợi thế giúp các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, cơ chế chính sách còn gây khó khăn cho ngành dệt may. Hiệp định CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp dệt may vẫn còn gặp nhiều thách thức. Trong đó, quy định xuất xứ từ sợi của CPTTP đã đánh đúng điểm nghẽn của ngành. Với lợi thế ưu đãi thuế quan của CPTTP, các đối thủ cạnh tranh sẽ hỗ trợ công nghiệp dệt may của họ. Một số nước xuất khẩu dệt may mới nổi như Campuchia, Myanmar, Lào cũng được hưởng thuế 0% từ EU. Nhiều nước sẽ sử dụng cơ chế phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nội địa.
Cần làm gì để phá vỡ những rào cản?
Theo ông Cẩm, doanh nghiệp dệt may để tận dụng lợi thế của CPTTP, trước tiên phải hiểu về hiệp định này. Nắm kỹ thông tin về ngành dệt may, từ đó, biết chúng ta là ai, có thế mạnh gì và thị trường trong CPTTP có đặc điểm gì để đánh đúng thị trường.
Muốn giải quyết được điểm nghẽn, các doanh nghiệp mạnh phải liên kết với nhau, cần xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp, nhất là trong nước và đầu tư nước ngoài. Liên quan đến vấn đề lao động, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh vấn đề đào tạo. Hiệp hội Dệt may cũng liên kết với nhiều nước mở lớp đào tạo.
Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của nhà nước, địa phương. Nhà nước cần có chính sách phát triển trong 10-15 năm tới để tận dụng hiệp định này.
Hiện, một số địa phương quay lại với dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm nhưng nhiều dự án của các nhà đầu tư danh tiếng, có đầy đủ yêu cầu thì lại không được cấp phép. Vì vậy, Chính phủ cần quy hoạch các khu công nghiệp, xử lý nước thải để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
Theo ông, từ chính phủ đến địa phương cần vào cuộc, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Nguồn:vietq.vn