Ngành dệt may: Nhiều lỗ hổng trong công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ

Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may chưa thực sự nhận thức rõ vai trò của sở hữu trí tuệ (SHTT) là một công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Hơn nữa, ngành dệt may của Việt Nam đa phần còn đi gia công cho các thương hiệu của nước ngoài, nên vấn đề SHTT càng ít được chú ý.

Đăng ký tại nước ngoài còn rất ít

Thực tế hiện nay, SHTT là công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng. Tuy nhiên, việc sử dụng, khai thác cũng như định giá tài sản ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Nhiều DN trong ngành dệt may chưa thực sự nhận thức rõ vai trò của SHTT là một công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước cũng chậm ban hành những cơ chế hỗ trợ như định giá, thương mại hóa loại sản phẩm này. Do đó, chưa đưa SHTT trở thành một ngành kinh tế, có đóng góp giá trị cao cho DN.

nganh det may nhieu lo hong trong cong tac bao ho so huu tri tue

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện nay, trong số 49 công ty thành viên của Vinatex chỉ có 30 công ty đăng ký nhãn hiệu với tổng số nhãn hiệu được đăng ký là 266 và 19 công ty còn lại chưa đăng ký nhãn hiệu và không có bất cứ đăng ký bảo hộ nào về sáng chế và kiểu dáng công nghiệp. Các đơn vị đăng ký nhãn hiệu tập trung vào logo của DN, sản phẩm may mặc; hầu như không có đơn đăng ký nhãn hiệu của sợi và vải. Trong số các DN đã đăng ký nhãn hiệu, có số ít các DN có đơn đăng ký nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài như Phong Phú, Việt Tiến, May 10…, còn lại các DN chủ yếu tập trung đăng ký nhãn hiệu tại thị trường trong nước.

Nói về thực tế này, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, các DN này thường chỉ chú trọng khâu sản xuất, còn khâu tiêu thụ phó mặc cho các đại lý, đối tác kinh doanh. Tranh chấp xảy ra khi các đại lý này đăng ký nhãn hiệu ở nước sở tại và coi như nhãn hiệu của mình. Trước đây, thông tin đại chúng đã nhiều lần đề cập đến các DN Việt Nam phải đối mặt với vấn đề bị các công ty nước ngoài ăn cắp hoặc nhái nhãn hiệu trên thị trường quốc tế, kéo theo đó là hàng loạt các vụ tranh chấp thương hiệu diễn ra như Sabeco ở thị trường Singapore; Vinataba ở thị trường châu Á; Biti’s, kẹo dừa Bến Tre ở Trung Quốc; bánh phồng tôm Sa Giang ở Pháp; Trung Nguyên ở Nhật, Mỹ và đặc biệt là ở thị trường Mỹ với các thương hiệu lớn của Việt Nam như PetroVietNam, Vifon, Saigon Export, Việt Tiến... Mất nhãn hiệu không chỉ là mất đi thị trường, mất bạn hàng, mất thương hiệu mà sẽ thiệt hại, tốn kém rất lớn cho các DN.

Điều đáng báo động với nhiều DN nước ta, kể cả những DN lớn là vẫn còn “thờ ơ” với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài. Theo con số thống kê của Cục SHTT, chỉ có khoảng 1.000 nhãn hiệu của các DN nước ta được đăng ký ở nước ngoài. Đây là con số quá nhỏ so với thực tế tình hình xuất khẩu của nước ta hiện nay.

Nhiều đơn vị bỏ quên công tác SHTT

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Ngân - Ban Kỹ thuật đầu tư - Tập đoàn dệt may Việt nam (Vinatex) cho biết: Hiện tập đoàn và các đơn vị thành viên có 266 nhãn hiệu đã đăng ký hoặc nộp đơn đăng ký. Các đơn đăng ký nhãn hiệu tập trung vào logo của đơn vị, sản phẩm may mặc. Các đơn vị thành viên chủ yếu tập trung đăng ký nhãn hiệu tại thị trường trong nước, một số ít có đơn đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài như Phong Phú, Việt Tiến, May 10… Cũng trong Vinatex, có những đơn vị thấy được tầm quan trọng của việc đăng ký quyền SHTT từ rất sớm, ví dụ Tổng công ty May 10, đã đăng ký từ năm 1992. Tuy nhiên, các đơn đăng ký nhãn hiệu sợi và vải còn ít. Chưa có đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (hoa văn, thiết kế sản phẩm) hoặc sáng chế (các chất liệu của sản phẩm hoặc quy trình sản xuất ra chất liệu đó).

nganh det may nhieu lo hong trong cong tac bao ho so huu tri tue
May 10 - một trong những thương hiệu đăng ký bảo hộ từ rất sớm

Bà Ngân cũng cho biết thêm, trên thị trường, hàng giả, hàng nhái những nhãn hiệu nổi tiếng của một số đơn vị thành viên của tập đoàn rất nhiều, ví dụ May 10, Việt Tiến… việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT chưa hiệu quả.

Bà Ngân cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác bảo hộ của Vinatex: Nhiều đơn vị mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, lập kế hoạch marketing, bán hàng mà “quên” mất vấn đề SHTT. Hàm lượng tài sản trí tuệ trong các sản phẩm dệt may còn thấp, chưa được khai thác, phát triển phù hợp với tiềm năng. Tình hình xâm phạm quyền SHTT đối với các sản phẩm dệt may, đặc biệt là nạn hàng giả các sản phẩm mang nhãn hiệu của các doanh nghiệp có uy tín đang rất phổ biến như May 10, Việt Tiến…

Từ những hạn chế này, bà Ngân đưa ra những đề xuất: Cần xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Trong thời gian tới, cần hỗ trợ trong tạo lập, đăng ký và phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm dệt may theo đặc thù của sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm thời trang. Vinatex sẽ tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc nhận diện hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.

Nguồn: congthuong.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/