Ngành dệt may Bangladesh và Việt Nam: Biến động tạo ra cơ hội mới
Cuộc xung đột thương mại giữa Washington (Mỹ) và Bắc Kinh (Trung Quốc) đã và đang tạo ra cơ hội mới cho các trung tâm sản xuất hàng dệt may như Bangladesh và Việt Nam, khi nhiều công ty dệt may quyết định rời khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan và lệnh trừng phạt khác của Mỹ.
Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới với giá trị đạt 158,4 tỷ USD năm 2017, chiếm hơn 30% tổng sản lượng toàn cầu; giảm so với tỷ lệ khoảng 40% ở những năm đầu thập kỷ này, do các công ty dệt may dần di chuyển sang các nước láng giềng với chi phí lao động rẻ hơn.
|
Ngành dệt may Việt Nam đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước |
Bangladesh là một trong những lựa chọn thay thế cho thị trường Trung Quốc. Đất nước này là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 6,4% tổng sản lượng của thế giới. Việt Nam đứng thứ ba với 5,8%. Tiền công ở Việt Nam chưa bằng một nửa so với các thành phố lớn của Trung Quốc. Chi phí lao động ở Bangladesh vẫn rẻ hơn nhiều. Chính vì vậy, các công ty dệt may của Mỹ cũng đang tìm cách đa dạng hóa nhà cung cấp ngoài thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu hàng dệt may từ Bangladesh sang Mỹ đã tăng 14%, lên 1,48 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 9 và tăng 3% trong tháng 6. Theo Hiệp hội Dệt may, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 16%, đạt mức kỷ lục 36 tỷ USD trong năm 2018; chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Một vấn đề khó hình dung là việc Mỹ siết chặt các biện pháp quản lý thương mại với doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc lại có liên quan đến sự dịch chuyển của các doanh nghiệp dệt may ra khỏi Đại lục. Lý do là, Mỹ sẽ cấm các cơ quan chính phủ có bất kỳ thỏa thuận nào với công ty sử dụng thiết bị liên lạc và camera giám sát từ 5 công ty của Trung Quốc, bao gồm cả Huawei Technologies và ZTE, bắt đầu từ tháng 8/2020. Một nhà máy may sử dụng thiết bị từ các công ty này sẽ không được phép cung cấp đồng phục hoặc bất kỳ sản phẩm may mặc nào khác cho các cơ quan chính phủ Mỹ; nếu một công ty bị phát hiện đã thông báo sai về thiết bị mà họ sử dụng, Mỹ có thể thực hiện ngăn chặn hoặc trừng phạt các giao dịch quốc tế bằng đồng USD. Hàng dệt may từ Trung Quốc hiện không phải chịu thêm thuế quan của Mỹ, nhưng nhìn chung triển vọng vẫn rất bấp bênh do còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán thương mại giữa hai nước trong thời gian “đình chiến”. Vì vậy, việc các công ty Mỹ tiếp tục chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc là cách an toàn nhất để tránh “các thiết bị có vấn đề”.
|
Đối với quốc gia như Bangladesh - nơi hàng dệt may chiếm khoảng hơn 80% xuất khẩu, lợi ích kinh tế của việc di chuyển này sẽ rất đáng kể. Bangladesh là nơi có nhiều cơ sở sản xuất cho các công ty may mặc lớn như chủ sở hữu Zara đối với Inditex, Hennes & Mauritz và Uniqlo. Bên cạnh đó, Campuchia cũng là quốc gia đang nổi lên như một nơi sản xuất thay thế. Kể từ mùa thu năm nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đang bảo đảm thuê đất trong khu công nghiệp ở thủ đô Phnom Penh để chuẩn bị cho các cơ sở sản xuất hàng dệt may thay thế thị trường Trung Quốc. Mặc dù có thể có những nhân tố mới như Campuchia, nhưng trong làn sóng dịch chuyển sản xuất của ngành công nghiệp dệt may từ xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng luồng gió lớn sẽ diễn ra tập trung ở Bangladesh và Việt Nam, xuất phát từ thực tế lợi thế và mục tiêu của hai quốc gia này trong phát triển ngành dệt may.
Thứ nhất, ngành dệt may của Bangladesh đóng góp khoảng 20% vào GDP và sử dụng khoảng 20 triệu lao động, là động lực chính của nền kinh tế đất nước. Bangladesh đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2021 và ngành công nghiệp dệt may sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đó, dự kiến sẽ xuất khẩu hàng dệt may đạt giá trị 50 tỷ USD vào năm 2021. Trong năm tài chính 2018, Cục Xúc tiến xuất khẩu của Bangladesh (EPB) tuyên bố, xuất khẩu tổng thể của Bangladesh tăng 5,81%, đạt 36,67 tỷ USD, chủ yếu nhờ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may. Lợi thế lớn nhất mà Bangladesh có được so với các đối thủ cạnh tranh là lực lượng lao động giá rẻ và dồi dào. Mức lương tối thiểu ở Bangladesh thấp hơn so với Trung Quốc, Campuchia, Ấn Độ và cả Việt Nam. Bangladesh có khoảng 37 trường đại học tư nhân và công lập đào tạo sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành dệt may mỗi năm với nguồn nhân lực lành nghề. Hơn nữa, các chính sách thuận lợi của chính phủ, ngân hàng (giúp nhập khẩu nguyên liệu thô) và tăng cường các ngành công nghiệp hỗ trợ đã góp phần tạo ra một trường mạnh mẽ và thuận lợi cho ngành dệt may Bangladesh.
Thứ hai, Việt Nam được xem là “người khổng lồ mới nổi” trong ngành dệt may toàn cầu với sự phát triển nhanh chóng và bền vững qua các năm, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam có khoảng 6.000 công ty sản xuất hàng dệt may đang hoạt động; 84% trong số đó thuộc sở hữu tư nhân, 15% có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 1% còn lại thuộc sở hữu nhà nước. Ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động trong cả nước với mức lương trung bình khoảng 239 USD hàng tháng. Sản xuất hàng dệt may chiếm khoảng 70% tổng số doanh nghiệp trong ngành này với công đoạn cắt-may chiếm tới 85% xuất khẩu. Kể từ khi Luật Lao động năm 2012 được thông qua, thị trường lao động và quan hệ công nghiệp trong nước đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam đã thu hút sự chú ý của thế giới trong lĩnh vực dệt may do chi phí lao động và chi phí thuê nhà xưởng thấp cùng với các chính sách thuận lợi như Luật Đầu tư nước ngoài. Để khắc phục những khó khăn của ngành dệt may do phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên liệu thô và phụ kiện cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ Campuchia và Bengal (do mức tiền công thấp hơn Việt Nam)…, chính phủ đã bắt đầu đầu tư mạnh vào phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Chính phủ cũng tạo điều kiện cho các nhà sản xuất hàng dệt may trong nước có cơ hội nâng cao khả năng gia tăng giá trị, phát triển thương hiệu riêng, trở thành nhà sản xuất thiết kế ban đầu thay vì chỉ hoạt động như các nhà thầu phụ và gia công… Hơn nữa, Việt Nam có lợi thế với nhu cầu thị trường dệt may trong nước đang tăng lên, với lực lượng người tiêu dùng trẻ tuổi, tốc độ đô thị hóa gia tăng và thu nhập khả dụng ngày càng tăng, thị trường trong nước đang thu hút các thương hiệu quốc tế lớn. Doanh số bán lẻ trong nước đang tăng với tốc độ 20% hàng năm và chi tiêu cho dệt may là hạng mục cao thứ hai tại Việt Nam, ngay sau chi tiêu cho các mặt hàng thực phẩm.
Nguồn:congthuong.vn