Dệt may chuẩn bị cho CPTPP: Đầu tư công nghệ và nhân lực
Ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam - đã có cuộc trao đổi với báo chí về tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tới tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may.
Ông dự báo như thế nào về tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may dưới tác động của CPTPP?
CPTPP được thông qua và đi vào thực thi là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nhưng thực tế do không có sự tham gia của Mỹ nên quy mô thị trường các nước tham gia CPTPP không quá lớn. Vì vậy, với hiệp định này, tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam là có nhưng không phải đột biến ở mức cao.
|
Người lao động được tái đào tạo để bố trí vào những vị trí hợp lý hơn |
Tuy nhiên, một số thị trường mới như Canada có quy mô nhỏ nhưng sản phẩm dệt may của Việt Nam lại đang có thế mạnh tại các thị trường này. Do vậy, kỳ vọng của chúng ta là khai phá được thị trường mới, giúp đa dạng thêm thị trường và đa dạng thêm các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã đầu tư công nghệ và máy móc hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, tận dụng cơ hội do CPTPP mang lại. Theo ông, để công nghệ phát huy hiệu quả, yếu tố con người cần được chuẩn bị như thế nào?
Trong ngành dệt may, ngoài đội ngũ quản trị lãnh đạo công ty thì không thể thiếu được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, máy móc hiện đại đến đâu thì vẫn phải có đội ngũ kỹ thuật để vận hành hệ thống này.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong thời gian qua đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực. Vì vậy về mặt vĩ mô, tập đoàn đã trình Chính phủ và đã được chấp thuận để nâng cấp trường Cao đẳng Dệt may Hà Nội lên Đại học, đây là kênh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may.
Trong định hướng phát triển của nhà trường, tập đoàn cũng yêu cầu đào tạo sinh viên tiếp cận với tư duy của 4.0 với những môn học tương đối phù hợp và sát với quản lý doanh nghiệp, quản lý nhà xưởng, quản trị doanh nghiệp thời 4.0.
Với những lao động trực tiếp vận hành máy móc, thiết bị, tập đoàn cũng đề nghị doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các buổi cập nhật ngắn để người lao động dần dần thay đổi tư duy, vận hành được những thiết bị hiện đại có cài đặt phần mềm.
Dù thông tin chưa chính thức, nhưng nếu Trung Quốc tham gia CPTPP thì các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị ra sao, thưa ông?
Nếu Trung Quốc tham gia CPTPP thì không chỉ riêng Việt Nam mà các nước còn lại trong CPTPP cũng phải đối diện với một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt.
Trung Quốc đang đứng số 1 thế giới về xuất khẩu dệt may, bao gồm cả số lượng và giá trị. Độ phủ sản phẩm của quốc gia này quá rộng, gần như lĩnh vực nào trong ngành dệt may từ hàng may mặc đến các sản phẩm sợi, dệt… đều sản xuất được. Do vậy, nếu Trung Quốc tham gia CPTPP thì sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may trong nước.
Trước xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tập đoàn có định hướng như thế nào để vừa nâng cao năng suất, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội?
Cách mạng công nghiệp 4.0 là quy luật tất yếu, buộc các doanh nghiệp tham gia, đầu tư máy móc, thiết bị và như vậy sẽ có một lượng lao động bị dôi dư. Tôi nghĩ việc này riêng ngành dệt may sẽ không giải quyết được mà cần phải đồng bộ từ Chính phủ và các bộ, ngành trong việc định hướng đào tạo nghề cho lao động phổ thông ở địa phương.
Ở các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn, những bộ phận phải đầu tư máy móc, thiết bị thay thế con người, tập đoàn sẽ tuyển dụng và đào tạo lại người công nhân để bố trí vào những vị trí hợp lý hơn; đào tạo thêm ngành nghề mới để họ tiếp tục sản xuất, tránh dôi dư lao động, giải quyết việc làm cho xã hội.
Với những dự án đầu tư mới, tập đoàn định vị ngay từ đầu là cần có bao nhiều người và tuyển dụng đúng vào các vị trí đó.
Nguồn: Báo Công Thương