Theo thống kê của Sở Công Thương, trong 10 tháng 2018, chỉ số sản xuất của ngành dệt may tại TPHCM tăng trên 12%. Trong đó, ngành sản xuất trang phục tăng 11,54%, dệt tăng 12,29%.
Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, TPHCM không còn nhiều dư địa để phát triển dệt may, bởi đây là ngành cần nhiều lao động nhưng thành phố không còn nhiều lao động để cung cấp.
Mặt khác, chi phí mặt bằng tại thành phố đang ở mức rất cao. Cụ thể, giá thuê đất tại các khu chế xuất - khu công nghiệp có giá từ 80USD - 100USD/m2. Còn với mặt bằng trong khu dân cư, giá cao hơn rất nhiều. Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may thành phố đã bắt đầu dịch chuyển nhà máy dệt may sang khu vực miền Trung và miền Bắc.
Các khu vực này có lợi thế là giá thuê đất tại các khu công nghiệp thấp hơn 1/2 hoặc 1/3 so với giá thuê mặt bằng tại TPHCM. Hơn nữa, nguồn lao động dồi dào và chi phí lao động cũng thấp hơn nhiều. Mặt khác, nguyên phụ liệu dệt may thiếu nhất là vải. Việt Nam chưa chủ động được nguồn vải sản xuất mà phần lớn phải nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, tìm được quỹ đất để đầu tư nhà máy sản xuất nguyên liệu dệt may nói chung và vải nói riêng tại TPHCM gặp khó khăn.
Hiệp hội Bông sợi Việt Nam nhận định, dư địa cho phát triển những DN thuần gia công dệt may tại thành phố đang dần thu hẹp. Thay vào đó, thành phố cần nâng cao chuỗi giá trị ngành may theo hướng tập trung hỗ trợ DN phát triển ở công đoạn thiết kế, dịch vụ logistics và thương hiệu.
Tương tự như ngành dệt may, theo Hội Da giày TPHCM, hiện các DN da giày không thể tìm khu vực cho phép đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu da giày tại thành phố. Trong khi đó, nhiều địa phương đã có những khu quy hoạch với hạ tầng tiếp nhận và xử lý môi trường an toàn, đảm bảo để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư này hoạt động. Đây là lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp di dời khỏi thành phố và chọn tỉnh/thành khác làm khu vực đầu tư. Trong 10 tháng chỉ số sản xuất của ngành da giày ước tăng 6,24%.
Nguồn:baohaiquan.vn